Theo nhà hải dương học Francisco Chavez, Viện nghiên cứu Monterey Bay Aquarium ở Moss Landing, California (Mỹ), chỉ cần sự thay đổi nhỏ của nhiệt độ nước biển (khoảng 1,2 độ C) là đủ để quyết định các bãi cá ở California, Nhật Bản hay Peru sẽ đầy ắp cá mòi hay cá trống.
Chavez đã lập một bản đồ từ dữ liệu trong 100 năm qua về nhiệt độ khí quyển trái đất, nhiệt độ bề mặt Thái Bình Dương, số lượng các loài chim biển, cá trống và cá mòi… Ông phát hiện thấy, khi Thái Bình Dương ấm lên (chính xác là nhiệt độ vùng nước ở ngoài khơi California, Peru và dọc theo đường xích đạo tăng, nhưng gần Hawaii và ngoài khơi Nhật Bản giảm), cá mòi xuất hiện với trữ lượng rất lớn. Ngược lại, khi vùng này lạnh đi (biến thiên nhiệt độ đảo nghịch hoàn toàn ở các khu vực trên) thì biển lại đầy ắp cá trống.
Như vậy, khoảng thời gian để mỗi loài chiếm ưu thế kéo dài khoảng 25 năm, và hiện nay, chúng ta đang ở trong năm thứ 5 của một thời kỳ lạnh. “Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là mọi người khắp nơi trên thế giới đều nhìn thấy hiện tượng này, nhưng lại không phát hiện được quy luật gì ở đó cả”, tiến sĩ Chavez nói. Ông cũng cho biết người Nhật Bản lần đầu tiên đã ghi nhận được chu kỳ này vào năm 1983.
Nhưng đến nay, Chavez và cộng sự mới là những người đầu tiên tìm ra mối liên hệ giữa các quần thể cá và vị trí của chúng với sự biến đổi của khí hậu trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, một số người tỏ ý nghi ngờ nghiên cứu này, vì rằng dữ liệu của nhóm Chavez chỉ tính được trong vòng 100 năm, tức là tròn hai chu kỳ. John Hunter, thuộc Trung tâm khoa học ngư nghiệp tây nam ở La Jolla, California (Mỹ), cho rằng, hồ sơ tốt nhất về cá trống và cá mòi là các trầm tích chứa vảy của chúng, có thể đưa chúng ta trở về thời điểm cách đây hàng nghìn năm.
VnExpress.netB.H. (theo Straistimes, Nature)