Tết Việt kể chuyện đi câu tết Thái (Phần II) - Ngày thứ ba: Kỷ lục và… Kỷ Lục!
3h sáng, tôi giật mình thức giấc, vẫn là tiếng ầm ầm dội trên mái tôn từ đêm qua, lại trượt 1 buổi câu sáng nữa nhưng tôi chẳng tiếc nuối lâu, cơn buồn ngủ giúp tôi thăng thiên đến sáng, em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh mà.
Sáng thức dậy bước ra khỏi cửa, tôi ngạc nhiên tưởng mình đi lạc, cả khu nhà trọ đêm qua còn thụt sâu xuống quá bờ đê, cái cầu để đi lên mặt đường phải nối làm mấy khúc, qua 1 ngày đêm mưa gió, đã nổi lên sát vệ đường. Tôi nhìn xa xa, cảnh vật vùng biên giới này như nhất loạt thay áo mới, cây cối xanh tươi hơn, nhà cửa được gọt rửa lớp bụi đỏ tôi đã quen mắt nhìn suốt 2 ngày qua để hiện nguyên hình những gam màu có sẵn Một cuộc lột xác ngoạn mục, ôi, mưa gió biên thùy.
Toàn cảnh khu nhà ông SanOpk trước cơn mưa
Xóm nhỏ vùng biên giới
Dùng điểm tâm xong, trời vẫn mưa rả rích. chúng tôi ngồi nói chuyện với già SanOpk 1 lúc, Sau đó Sopak & Shige ngồi học hỏi lẫn nhau về câu kéo, Mã Khiết cũng nhập hội để nghe lỏm nghề của 2 người, 3 kẻ từ 3 phương trời ngồi chụm đầu vào nhau cứ như tái hiện khung cảnh Tam quốc diễn nghĩa. Tôi cũng muốn tham gia nhưng lại nghĩ, nói chuyện với 3 người này lúc nào chẳng được, còn đi khám phá Khaoleam chỉ còn ngày hôm nay thôi. Tôi vốn như vậy, tức đi du lịch luôn có lãi hơn người nhờ sự chú ý quan sát, ghi chép, chụp ảnh, tận hưởng… làm gì cũng tính lãi để sung sướng thêm mấy lần. Nghĩ là làm liền, tôi lách màn mưa đi ra Làng Ngoài, nơi tôi chỉ đi qua hôm nọ chứ chưa gọi là BIẾT QUA.
Đường ra Làng Ngoài rất vắng vẻ (có lẽ tại trời mưa), những nhà ở Làng Ngoài khác với Làng Trong là các hộ thường kinh doanh 1 mặt hàng nào đó (chắc tại giỏi làm kinh tế hơn người dân tộc), hai bên đường ngày càng hẹp lại (chỗ này thì không biết giải thích tại... cái gì)
Loanh quanh cho đời mỏi mệt 1 lúc, tôi đến ngã rẽ có đường lớn và con ngõ bé tẻo tèo teo, đi hướng nào đây??? Tôi có sở thích phiêu lưu oái oăm nên khi phải chọn lựa, tôi hay ưu tiên những con đường đất đỏ như son hay những nẻo đường phù xa chứ không chọn đường lớn đã mở đi tới tương lai… thế nên tôi men theo con ngõ rất hẹp cỏ cây rậm rạp và có phần heo hút xem nó dẫn đến đâu, ý thích ngược đời này làm tôi 1 phen sợ vỡ mật. Khi đang ngó nghiêng trời đất, đột nhiên thấy cái miếu bé tí có con rắn to kinh người đang chực bổ phập xuống đầu mình, tôi hãi quá muốn chết đứng nhưng rõ là đứng lại càng chết, thế là tôi co giò phóng 1 mạnh không dám ngoái lại nhưng càng chạy càng thấy thêm mấy cái miếu nữa cũng có con rắn phùng mang trong đó, chẳng lẽ ta phải bỏ mạng 1 cách lãng nhách nơi vương quốc mãng xà này sao. Tôi muốn chạy tiếp mà mệt quá, không nhấc chân lên nổi… nhờ mấy giây chết đứng bất đắc dĩ để thở đó tôi phát hiện ra nó là con rắn giả. Hãi hùng quá nên quên mất già SanOpk có dặn tôi rồi, người Thái vốn không thờ rắn, nhưng ở KhaoLeam có vài bộ người thờ rắn, thờ bọ cạp... là do những bộ người đó di dân từ Miến Điện sang, mà phát tích tục thờ những con vật này là từ Ấn Độ nên khi nói chuyện với họ đừng tỏ ra kinh khủng mấy con vật này... Hừ hừ, có thế mà làm tôi chạy te khói, sau này cần thủ nào sang KhaoLeam câu hễ thấy đôi dép của mình ở đâu làm ơn nhặt trả lại tớ nhé.
Xem gan ai to hơn?
Vượt qua nỗi sợ, tôi đi tiếp vào sâu bên trong thì gặp 1 xóm nhỏ. May quá, có người là có sự sống rồi. Tôi thấy mấy em bé ngồi trong nhà ngó tôi qua màn mưa, chúng hê-lô í ới với tôi, đáng yêu hết biết. Tôi đi ngang qua 1 ngôi nhà nhỏ, thấy dép lào (dép xốp) đã hỏng, đứt quai... chất đống ngoài sân, tôi thấy lạ nên ghé sát hàng rào để xem... và vui hớn hở (các bác đừng tưởng vì tôi chạy mất dép nên gặp dép đứt cũng mừng nhé, tôi lại giận không kể phần sau đang hấp dẫn bây giờ).
Là tôi thấy 1 người đàn ông ngồi xếp bằng trên bộ ngựa ngoài hiên đang hì hụi chế tạo mồi giả từ đôi dép xứt. Thú vị quá, tôi xin phép ông cho tôi vào xem và chụp hình, ông cười thân mật mời tôi ng1`ồi xuống bộ ngựa và còn rót nước cho tôi uống nữa. Tôi được biết tên ông là Chiep, người Thái gốc Miến - Tôi gặp may! Bởi người Miến Điện đúng nghĩa không dễ nói chuyện, họ có 1 thế giới riêng, tách biệt và xa lạ. Người Miến sống ở Thái lại khác, họ cởi mở hơn, họ đa phần là dân lao động, sống ở đây hàng chục năm nhưng chưa bao giờ làm chủ được tiếng Thái. Ông Chiep cũng vậy, ông nói tiếng Thái khó khăn và thiếu từ. Ông tưởng tôi là người Nhật, thiệt khổ. Tôi mong không được là hàng Việt Nam chất lượng cao thì cũng là hàng Việt thuần túy, đúng chất mà chẳng hiểu sao đi đâu người ta cũng nghĩ tôi MADE IN JAPAN (mà rõ là mắt 2 mí nhé). Tôi lắc đầu cười, nói với ông tôi là người Việt Nam. Tôi hỏi Ông có biết Việt Nam không? Có chứ! Việt Nam War, War (chiến tranh Việt Nam) - pằng pằng pằng Tôi cười vui đúng rồi, hà hà xong lại buồn ngay Đúng, Vietnamese War . Tôi đã gặp câu trả lời này ở khắp nơi tôi tới, từ bến sông Hằng thánh địa của Ấn giáo tới những con phố tấp nập ở Barcelona, từ gốc dừa trên bãi biển Bali đến những siêu thị trong bến Thượng Hải. Và giờ đây, tôi gặp lại nó ở 1 nơi heo hút xa xăm vùng biên Thái - Miến này. Chúng ta nổi tiếng vì một cuộc chiến đã xa. Một cuộc chiến thật buồn.
Cảm hứng sáng tạo mới
Vì hạn chế ngôn ngữ nên tôi không nói được nhiều với ông Chiep, tuy nhiên tôi được biết rằng ông Chiep làm mồi chuyên trị cá Lóc Bông, và mồi của ông làm cũng tuân theo những yêu cầu cơ bản nhất về mồi cá Lóc Bông là: nổi trên mặt nước, chong chóng phía trước, lưỡi câu 3 chấu... Trả lễ cho buổi gặp gỡ thú vị, tôi muốn mua giúp ông vài con mồi, chợt nhớ ra sáng nay đi vội quên hỏi sự hỗ trợ của Mã Khiết, ôi đã nghèo còn mắc cái eo nên dù dốc hết tiền này ta trả nợ mồi, dốc hết tiền này ta trả nợ người tôi cũng chỉ đủ mua được 1 con mồi 100 baht. Trả tiền xong, ông Chiep vui vẻ tặng tôi thêm 1 con nữa (vùng sâu vùng xa mà marketing giỏi quá bà con nhỉ!)
Trời tạnh mưa, tôi chào ông Chiep ra về. Ông ân cần chỉ cho tôi đường đi khác để không phải quay là khu Mãng - xà - trận - đồ lúc nãy. Băng qua đống dép lào cao ngang người, tôi ra khỏi cổng nhà ông Chiep, bất giác nhớ anh trai mình. Khi còn bé, anh tôi cũng hay phát kiến ra mấy trò chơi từ những chiếc dép lào vất đi như thế, hết tàu thủy tới máy bay, có lần tôi ngốc nghếch sao lại nhờ anh lấy dép lào làm lồng đèn, vừa đốt nến lên đã cháy mất chiếc lồng đèn, còn súyt ăn roi mây...
Tiếng chuông điện thoại cắt ngang hồi tưởng về tuổi thơ dữ dội của ông anh trai, tôi nghe từ bên kia giọng 1 người Nhật giới thiệu tên Uehara, rằng anh đã đến KhaoLeam và nói tôi đến nhận những thứ người dưng gửi sang. Tôi hỏi anh đang ở đâu thì nghe tràng cười vang Ở kế bên phòng của bạn. À, tôi lại đãng trí nữa rồi, đối với người nước ngoài biết đi câu ở KhaoLeam thì chỉ khi nào nhà ông SanOpk không còn phòng trống họ mới trọ ở nơi khác thôi. Vậy ra anh Uehara nói chuyện với già SanOpk thì biết được tôi trọ phòng kế bên, quả là trùng hợp.
Một phòng trọ trong khu bè nổi nhà ông SanOpk
Tôi tất tả chạy về theo lối ông Chiep đã chỉ, đi được 1 đoạn thì gặp con đường lớn (dẫn tới biên giới Thái - Miến) chắn ngang, tôi lọt vào khu thị tứ sầm uất với khung cảnh hoàn toàn khác biệt cả Làng Trong lẫn Làng Ngoài. Biết rằng phải về gấp nhưng cái tính la cà cố hữu buộc tôi phải tự trợ cấp cho mình 2 phút ngó nghiêng... May thật là may, chỉ trong 2 phút du ngoạn siêu tốc, tôi thu thập được toàn thông tin về cá, cá Lóc KhaoLeam cơ đấy, thế mới vênh váo thêm được 1 tí về chủ nghĩa xê dịch của mình chứ.
Tức sau khi tránh được mấy chiếc xe tải áng ngang tầm nhìn, trước mắt tôi là 1 show biểu diễn cá Lóc phơi nắng hoành tráng trải dọc 2 bên lề đường, kéo dài như bất tận, giống người ta phơi bánh tráng ở Củ Chi.
Những con cá bị lột da xẻ thịt phơi thây đỏ hồng dưới nắng to sau cơn mưa khiến mùi cá hoà với mùi tre nứa của khay phơi, mùi đất, mùi nước mưa, mùi nắng thành 1 mùi thức ăn đặc trưng không biết gọi tên (nhưng theo tôi nghĩ thì khá hấp dẫn). Kế hoạch truy cập thông tin lập tức được phác thảo. 10 giây đầu tôi đi tìm kiếm cơ hội làm quen và gặp đưọc 1 đôi vợ chồng trẻ đang phơi cá. 10 giây kế tiếp cho cuộc chào hỏi giới thiệu, chuyển mối quan hệ từ sơ sang thân và được biết chị vợ tên Nok, thêm 10 giây nữa cho tôi khai thác công nghệ sản xuất, hết trọn 1 phút để biết đó là món Khô Lóc KhaoLeam ngon nức tiếng Thailand (tôi đồ rằng nó giống như xứ ta có món Mắm Lóc An Giang tuyệt vời vậy). Chị Nok cho tôi biết món cá khô này được làm từ A-Z theo quy trình bằng tay hiện đại nhất (nghĩa là có đeo bao tay, hi hi), anh chồng bổ sung thêm rằng cá được phơi ròng rã ngoài nắng chứ không áp dụng phương pháp sấy khô công nghiệp nên cá có được mùi tự nhiên hấp dẫn như vậy (có nên mở ngoặc mùi khói xe, bụi đường cũng góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của Khô Lóc Khaoleam không ha)... Trong 1 phút 30 giây vừa rồi, có lẽ tôi giành được thiện cảm của họ nên 10 giây sau, chị Nok nhiệt tình chọn 1 con cá thật bắt mắt, xé 1 miếng mời tôi ăn thử, tôi tấm tắc khen ngon thế là được tặng luôn phần cá còn lại. 10 giây tiếp theo đến phiên tôi đáp lễ lại tấm chân tình của họ bằng 1 cái móc chìa khóa. Vợ chồng chị Nok rất dễ thương, họ tuy thích mê con búp bê mặc kimono trên móc khóa nhưng khăng khăng không nhận vì cho rằng tôi sòng phẳng quá, khiến tôi mất thêm 5 giây nữa để diễn giải cho anh chị hiểu đó là 1 nét văn hóa đẹp cũng là lễ nghi giao tiếp đơn giản nhưng tối quan trọng của người Nhật mà tôi rất thích :
Người tặng trái dưa thường tình
Ta hãy trả lại ngọc quỳnh, ngọc giao
Nếu không đáp lại của nào
Muôn đời sẽ chẳng ra sao mối tình…
Đến khi anh chị Nok chịu nhận thì tôi chỉ còn 5 giây cuối cùng cho quy trình xã giao khép kín: cám ơn - chào tạm biệt - hẹn gặp lại.
Màn trình diễn Cá Lóc ngòai trời
Tay cầm cá và mồi, tay giữ chặt mấy cái chìa khóa rời rã vì không còn khoen giữ, 2 chân chạy thục mạng về nhà trọ nên tôi không thể trả lời tiếng chuông điện thọai réo lên mấy lần, vô tới sân nhà ông SanOpk tôi mới biết đó là chuông Shige gọi giục tôi đi câu vì mưa đã tạnh (hì hì, đến đi câu mà cũng có người giục giã thì… nhất Vân). Thóang nhìn trong sân thấy tòan gương mặt Nhật Bổn vừa lạ vừa quen. Quen - bởi vài người trong số họ thi thỏang có xuất hiện trên những forum câu cá của Nhật; Lạ - thì đã rõ bởi tôi chưa từng bao giờ gặp họ trong đời thường. Không quá bỡ ngỡ, tôi nhận ra ngay anh Uehara cao lớn đứng ngay ngòai cửa, anh cũng biết đích thị là cô nàng đang xách cá và mồi đi tới là Mắt xếch Việt Nam (Nick của tôi trên các diễn đàn câu kéo Nhật Bản)
Những con người thật bước ra từ cuộc đời ảo, chúng tôi gặp nhau trong niềm vui tứ hải giai huynh đệ (huynh - muội nữa chứ nhỉ). Tôi xin phép Shige lên thuyền trễ vài phút để khoe những chiến lợi phẩm mà mình thu được, ai nấy đều trầm trồ trước con mồi giả và nhờ tôi sau này giới thiệu họ đến gặp ông Chiep, tôi lên mặt chảnh tính xem mình sẽ thu được bao nhiêu phần trăm tiền huê hồng dắt mối thì liền bị những bày tay hộ pháp đập lên đầu bôm bốp (cách nói mi thật đáng ghét của người Nhật với người đối diện).
Để dừng bàn tay manh động của mọi người, anh Uehara trao cho tôi số bưu phẩm không tem, không cước phí tôi chờ đợi từ qua tới nay, tôi đưa tay đón nhận mà cảm kích vô cùng. Máy thì nặng, cần thì dài, mồi thì nhiều… nếu không phải là dân câu với nhau, e mình khó kiếm được sự cảm thông của dân ngọai đạo. Kiểm tra lại thấy đúng là những dụng cụ vừa ý, tôi vui lên 1 tẹo, tinh thần phấn chấn thêm 2 tẹo, còn sự tự tin thì tăng… nhiều nhiều tẹo
Ai giàu hơn ai
Chúng tôi yên vị trên những chiếc thuyền khi kim đồng hồ nằm ngay ngắn nơi con số 9. Tất cả cùng xuất phát bằng thuyền ghe nhà ông SanOpk, lại có chuyện trao đổi giữa Shige và anh Uehara nên chúng tôi nhập nhóm và điểm đến là cái đích chung của mọi người. Lần này tôi ngồi ghép thuyền với anh Uehara, đừng nghĩ tôi “có mới nới cũ”, oan lắm ạ, mà chỉ là “thấy người sang bắt quàng làm… bạn” chút thôi. Thực ra tôi biết anh là bạn từ nhỏ của “người dưng” nên định đi tìm dĩ vãng, dò la tin tức từ anh, tuy nhiên 6 chiếc thuyền lớn, ghe nhỏ bắn đi như vũ bão, náo động cả triền sông khiến tôi chẳng nghe được tiếng nói của chính mình nữa là… thì đành ngó mông lung giết thời gian vậy.
Sau gần 1 ngày 1 đêm mưa tan trời nát đất, đầm KhaoLeam giờ đây cuồn cuộn nước, mặt đầm phẳng lặng hôm qua bỗng như biển động, sóng đập mạnh vào dải đất bao quanh như muốn phá tung ranh giới nước – bờ… tôi giật mình khi đi ngang qua khu tháp cổ hôm trước, nó đã bị chìm 1/2 trong nước.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Hôm nay chúng tôi không đi quá xa, chỉ cách khu tháp cổ vài phút, già SanOpk ra dấu dừng lại đột ngột, cả đòan tấp sát vào bờ. Tôi nghe nhóm tài công chỉ chỏ những vệt sóng chữ V, những đốm nước trắng tung tóe chỗ bụi lau. Gặp ổ cá rồi! Thuyền chưa dừng hẳn, 11 con người đã chuẩn bị cần mồi rốp rẻng, thuyền vừa ngưng tiếng máy là lúc những tiếng vút… vút… quen thuộc vang lên. 1 cuộc oanh tạc tập thể nhằm thẳng quân thù mà bắn diễn ra khốc liệt, những con mồi giả cứ đua nhau vào ra bụi rậm như chỗ không người (đương nhiên!), Mã Khiết không bắt nhịp kịp đồng đội, nhưng tinh thần chiến đấu thì không thua 1 lạng. Sopak sau vài lần quăng mồi chợt nhớ ra Shige đang ngồi im đầu thuyền có lẽ cũng đã ngứa tay (vì người hướng dẫn không câu cá với khách trừ phi khách mời hoặc nhờ chỉ về thao tác câu – đó là Lệ làng câu), Sopak kín đáo lấy máy ra nhắn tin cho tôi “Mời Shige cùng câu nhé”. Gớm! hắn sang như tỉ phú, thuyền đậu cách nhau vài mét mà hắn dùng đến “công nghệ thông tin” để liên lạc với tôi cơ đấy, nhưng mỉa mai hắn 1 thì tôi tự trách mình 10, vô tâm quá, ta ơi!
Hai chúng tôi cất tiếng rủ Shige câu chung, những cần thủ Nhật khác nghe chúng tôi mở lời như vậy cũng khích lệ Shige… anh cám ơn chúng tôi rồi cúi xuống luồn dây, và đứng lên ôm cần, và giơ tay quăng mồi, và Shige… dính cá ngay lần đầu tiên. Con cá Lóc Bông nặng hơn ký rưỡi mà Shige kéo nó nhẹ như không, tôi thấy mình phải học hỏi nhiều đây, tôi im lặng ngưỡng mộ, mọi người xít xoa trầm trồ trong khi Shige lại cúi gập đầu xin lỗi rối rít (anh cho rằng mình có lỗi khi câu mất phần cá của bà con).
Shige & con cá tội lỗi
Shige không phải áy náy lâu, liền sau đó 1 lọat cần thủ đều kéo được cá Lóc Bông, chúng tôi mọc rễ ở địa điểm này. Dở như tôi mà trong hơn 1 tiếng cũng kéo được 2 chú kha khá , người mới như Mã Khiết còn dìu được 1 chú nho nhỏ… thì các cây đại cây đề như Shige, Sopak và nhóm cao thủ Nhật thì kéo lên không biết cơ man nào mà đếm, mấy anh tài công kiêm thợ vớt cá chạy có cờ từ mũi tới đuôi thuyền, thậm chí có khi phải vươn tay sang thuyền kế bên vớt cá giùm vì thuyền đó có 2 người cùng được cá 1 lúc…. Những con cá sàn sàn 1 ký cứ nối đuôi nhau nộp mạng, tôi cho đây là trận chiến sáp lá cà giữa người và cá chứ không còn là buổi câu đơn thuần. Cảm giác kéo cá đến tê tay này trước đó và về sau tôi không có lại được nữa… không tưởng nổi trong 1 buổi sáng mà tất cả đã thành dũng sĩ diệt Lóc với những chiến công hiển hách phi thường. Chuyến câu thành công hơn mong đợi khi anh Aoki (1 cần thủ trong nhóm anh Uehara) kéo lên được chú cá Thác Lác nặng chưa từng thấy - 4 ký (không cân điêu), tôi không dám đụng tay vào vì sợ là cá thành tinh.
Sau 1 phen khiến thiên hạ đảo điên vì con cá lạc lòai từ giống nòi đến kích cỡ, Aoki định thả nó về lại với đầm nhưng già SanOpk giữ lại để xin ghi vào kỷ lục cho anh, ông liên hệ ngay với văn phòng Môi Trường và… đáng tiếc, người nào đó đã câu được 1 con Thác Lác 4 ký 2 trong năm nay… còn cá chừng 3 ~ 4 ký cũng thường xuyên có người đến báo. Tôi trộm nghĩ, đầm KhaoLeam nay mai không chỉ nổi tiếng về Cá Lóc thôi đâu, mà còn...
Gần 12 giờ, già SanOpk dẫn đầu đám hùng quân tiến về khu “KhaoLeam đệ nhất động” để… nghỉ trưa. Rõ rồi, nước dâng ngập lối ra vào, khiến cái hang chỉ còn là 1 khe nhỏ, nước còn không chảy được thì lấy đường đâu mà chui vào câu nhưng tôi thắc mắc sao không là chỗ khác mà phải ghé đến tận đây nghỉ trưa??? Già SanOpk cười cười bí mật…. Chúng tôi gỡ cơm nắm ra, vừa ăn vừa hàn huyên 1 lúc rồi lăn ra ngủ.
Cửa hang bị nước lấp kín
Một cơn gió lạnh ập tới trong lúc ngủ như trưa qua, tôi bật dậy thăm dò thái độ ông trời, thấy mây vẫn trôi và nắng vẫn xanh! Vẳng bên tai những tiếng động lõm bõm quen quen, ngó sang thuyền, ghe khác thì thấy vài anh chàng đã thức dậy từ lâu đang rê rê, kéo kéo. Mã Khiết cũng đang câu, thật đáng học hỏi!
Nhìn Mã Khiết miệt mài vung cần như đó là thú vui duy nhất trên đời, lòng tôi bỗng dâng lên niềm cảm mến nhẹ nhàng. Tôi và Mã Khiết học chung nửa năm nay nhưng mối quan hệ đồng liêu của chúng tôi không được thân thiện cho lắm, đơn giản vì chúng tôi là 2 phe đối lập trong các cuộc tranh luận từ trong lớp học ra đến ngòai xã hội. Tôi đã quen với lối suy luận fuzzy logic của người Nhật, Mã Khiết thường đập lại bằng trường phái Cartesian Tây học; tôi nhìn cuộc sống bằng đôi mắt phó thường dân, Mã Khiết lại đánh giá mọi vật dưới lăng kính của tiền tài và quyền lực v.v…Tóm lại, tôi luôn dị ứng với những cậu ấm lắm tiền nhiều quyền và họ cũng thế, họ không chịu đựng nổi tôi… khiến lúc nào giữa 2 chúng tôi cũng như có 1 quả bom nổ chậm. Nhưng những ngày vừa qua, tôi phát hiện ra 1 con người khác trong Mã Khiết, mộc mạc và gần gũi đằng sau vẻ ngạo mạn, ta đây thường nhật. Lại 1 lần nữa, chiếc cần và con mồi không chỉ đem tôi đến nơi có cá và nước, mà còn đem tôi đến nơi tình bạn nở hoa!
Quý mến Mã Khiết thế, nhưng tự ái của phụ nữ Việt 3 đảm đang tôi đây dứt khóat không để cho chàng trai Trung Hoa anh hùng này cười nhạo vì ban nãy tôi lỡ ngủ quên trong chiến thắng, tôi liền với lấy chiếc cần khi mắt vẫn còn ngái ngủ (bon chen dễ sợ!), vung tay quăng ra kéo vào lia lịa.
Thói thường những hành động hấp tấp như sống gấp, yêu vội, ăn nhanh thường tạo ra những kết cục bi đát nhưng câu bon chen như tôi ngọai lệ à nha. Chẳng thế mà trong 15 phút câu tại chỗ, tôi đã 2 lần sướng rơn vì kéo lên 2 con cá Lóc Bông chính hiệu “Đệ nhất động” khiết Sopak, Mã Khiết và dân tình Phù Tang cứ là chết đứng vì ngưỡng mộ nữ nhi.
Cá Lóc “đệ nhất động”
Xung quanh tôi mọi người đã thức dậy hết, già SanOpk cất giọng vừa đủ nghe, mà âm thanh vọng vào vách động vang vang: “Hôm nay là ngày câu cuối của nhóm Shige nhưng là ngày câu đầu tiên của nhóm Uehara, còn đối với nhà Thuyền chúng tôi thì các bạn vừa là nhóm khách Thái vừa là nhóm khách ngọai, đặc biệt Cẩm Vân lại là khách nữ đầu tiên trong năm mới nên tôi đưa các bạn tới đây để có 1 mùa câu Tết Thái đáng nhớ nhất…” Rồi không để ý đến tiếng ồ, à sung sướng của các cần thủ, ông lệnh cho đòan ghe chạy vòng qua phía sau vách động, nơi dường như không có quan hệ dây mơ rễ má gì với mặt động phía trước bởi không có thạch nhũ rũ xuống mà chỉ tòan lao sậy, cây cỏ, hoa dại bao quanh. Trong làn nước khá đục vì giông bão, già SanOpk khóat tay chỉ những búng nước đỏ hồng đang di chuyển – chúng là đàn cá Lóc con!
Già SanOpk nói tiếp: đây là số cá ông kết hợp với chính quyền địa phương nuôi thả, nên ngòai ông ra, không ai được phép đến góc đầm này đánh bắt, ngay cả ông cũng chỉ dẫn khách đến câu trong những trường hợp đặc biệt khi ông chắc chắn khách là cần thủ chân chính hội đủ 2 điều kiện: đam mê câu & biết gìn giữ môi trường.
Nghe đến đó, tất cả chúng tôi đều im lặng vì cảm kích, trong lòng ai cũng thấy nhen nhóm 1 chút hãnh diện vì được già SanOpk tin tưởng dùn không ai trong chúng tôi cho rằng mình xứng dáng được biểu dương cần thủ chân chính. Riêng tôi lời nói của già SanOpk đã vượt qua giới hạn của lời khen, mà nó là lời dặn dò tâm huyết của 1 cần thủ lão thành từng trải dành cho hậu bối.
Chúng tôi giăng thành hàng ngang dọc theo triền cỏ và hoa dại tím, hồng rất đẹp, chỉ tiếc là nước hôm nay không xanh lắm… mà dẫu thế cũng không cản được những đôi tay vung lên khởi động, những con mồi vượt chướng ngại vật tìm cá phía sau chùm hoa ấy , những tiếng tay quay rít lên tăng tốc, những vòng dây chựng lại khi về đến đích và rồi lại tiếp tục 1 chu kỳ mới…
Chúng tôi không phải tốn nhiều công sức, vợ chồng lũ cá Lóc Bông liên tục dính mồi do quyết sống mái với những kẻ quấy rầy để bảo vệ đàn con. Tôi may mắn chụp kịp thời 1 tấm hình có đủ chi tiết minh họa: 1 chú Lóc Bông táp mồi ngay bên cạnh đàn cá đỏ hồng, khi con mồi còn nối liền bởi dây câu.
Hình hiếm có!
Hơn 2 tiếng bị bắt – được thả, bọn cá Lóc Bông như khôn ra, chúng không cắn nữa mà chỉ vờn quanh con mồi giả, lượn quanh đàn cá con…thi thỏang chúng theo sát con mồi đến thuyền rồi lại lộn ngược trở về ổ.Thêm 1 tiếng cất công dụ dỗ nữa, người – cá từ đấu vật chuyển sang đấu trí, chúng tôi thay mồi nhiều màu, nhấp mồi nhiều lần, gây động nhiều chỗ mà vẫn không ăn thua.
Mới hơn 3h mà gió lạnh lùa vào khe núi phát ra những tiếng réo u u, rờn rợn báo động cơn giông chiều sắp đến. Chúng tôi thu cần chuẩn bị bỏ về thì “đùng, đùng…”, thuyền tôi và anh Uehara như gặp sóng thần, chòng chành rất mạnh, mà không phải sóng thần chắc cũng là thủy quái vì tiếng động dưới nước vọng lên như đáy thuyền đang chịu sự tấn công của muôn vàn binh tôm tướng cá… tôi chưa kịp hòan hồn thì nhận ra cần của anh Uehara cong tít, gân máu và cơ bắp nơi đôi cánh tay anh nổi lên cuồn cuộn, dây câu căng cứng giữa đầu cần và mặt nước, già SanOpk chỉ kịp kêu lên: cá Lóc Bông Chúa!
Gặp cá dữ nhưng lại đang đứng trên thuyền nên chúng tôi bị lọt vào thế không chốn dung thân, không có điểm tựa, con cá đắc thắng kéo cả thuyền lẫn người dịch dần về phía bụi rậm. Anh Uehara trợn mắt níu chắc lấy cần, hết xả dây ra rồi quấn dây vào… những lúc như thế con cá đập đuôi phản đối kịch liệt, nước bắn lên thuyền ướt đẫm… Chúng tôi đứng ngòai hò hét cổ vũ khản cổ, 1 cuộc vật nhau cuối tuần đầy gây cấn suốt 15’ và chỉ phân thắng bại khi anh tài công nhảy hẳn xuống nước vớt nó lên bờ. Thôi tôi cũng mừng cho anh, chứ ngó bộ anh vừa kéo cá vừa nghiến răng kêu như sáo thổi thế kia, chắc chưa thấy cá đã thấy ông nha sĩ đến hỏi thăm.
Hai tay cần cự phách Thái Lan là già SanOpk & anh Sopak tuy ngưỡng mộ cách giữ và dìu cá của Uehara nhưng cũng phải nói rằng anh đã gặp may, con cá lớn cỡ này cắn câu khi mồi đã rê về gần dưới đáy thuyền chứ nếu đó là khi nó ở gần ổ thì khó kết thúc gọn như vậy được. Mà cá lớn cỡ này là cỡ nào bạn biết không? Được ghi vào Kỷ Lục Thái Lan 2003: Cá Lóc Bông lớn nhất trong năm (nặng 9,3 ký, dài 98cm) được câu tại đầm KhaoLeam ngày 16/4/2003 bởi cần thủ Nhật Bản Uehara Tetsuya.
Guiness Thái Lan 2003
Con cá tuyệt vời của Uehara sẽ là dấu chấm hết cho buổi câu đầy kịch tính hôm nay nếu không có 1 tai nạn nghề nghiệp xảy ra.
Số là sau khi anh Uehara đạt điểm 10 cho chất lượng, cũng là lúc lác đác có vài giọt mưa, mọi người đều thu cần xếp vô bao gọn gẽ chuẩn bị ra về. Tôi cũng thu dọn đồ nghề theo phong trào mà ruột gan rối rắm, chân tay ngứa ngáy không yên, hôm nay tôi cũng kéo lên được nhiều cá, nhiều hơn hẳn anh Uehara về số lượng, vậy là cũng phong độ lắm chứ bộ, tại sao không dính được con cá kếch sù kia nhỉ? Ông trời bất công! Vậy tôi phải tự cải số cho mình thôi. Tôi nói khó với già SanOpk & Shige, ai muốn về thì về còn tôi sẽ nán lại thêm 10 phút nữa để thử vận may, chỉ xin ông SanOpk sắp xếp cho 1 tàu & 1 tài công ở lại với tôi (đâu có đòi hỏi chi nhiều bà con hỉ). Vừa nói, tôi vừa dè chừng già SanOpk sẽ bực mình vì tính ích kỷ của mình, hoa lạc giữa rừng gươm mà không biết thân biết phận… Nhưng bất ngờ ông lại ủng hộ tôi mới lạ chứ???!!! Già SanOpk sắp xếp tôi lên thuyền khác lớn nhất, hiện đại nhất trong đòan thuyền của mình rồi ông phân công các tài công còn lại đưa những thanh gươm kia về trước, riêng Già SanOpk thân chinh ở lại với tôi chờ đến khi nào tôi cảm thấy hài lòng với buổi câu thì sẽ đưa tôi về, già nói “ưu tiên phụ nữ mê câu”! Hay nhỉ, ai quan niệm thập nữ viết vô thì mặc họ, kiếp sau tôi vẫn muốn được sinh ra là con gái.
Còn lại 1 già 1 trẻ trên 1 chiếc thuyền câu giữa buổi chiều tà đang chuyển mưa, tôi bỗng có cảm giác lẻ loi giữa thiên nhiên rộng lớn, dù già SanOpk luôn cười tươi và khích lệ bên cạnh nhưng tôi nhận ra yêu sách mọi người vì 1 người của mình là vô lý hết sức… Và sự cô đơn tăng lên thành nhỗi sợ khi cần tôi dính Khủng Long. Đúng với nguyện vọng của mình ở lại để câu cá lớn nhưng tôi phát hãi khi thấy con cá Lóc Bông vô cùng hung dữ và bạo lực. Tôi không biết đây có phải cũng là con cá lúc nãy của anh Uehara không mà sao nó táo tợn quá. Tôi chỉ có thể ghì nó bằng cả 2 tay chứ không thể đủ sức tay cầm cần, tay quay máy như thường lệ, mà nào đã yên, nó muốn lôi tôi xuống nước luôn kia. Tôi thật tình lúng túng, không biết dứt điểm sao cho ổn, con cá không để tôi yên lấy 1 giây, tôi đành nằm đè lên chiếc cần vừa dìu cá, vừa la chí chóe cầu cứu già SanOpk, ông vội rời tay lái tàu lao ra giúp sức, nhưng… phong độ của tôi hôm nay bị bẻ gãy kêu cái “rắc” khi ông SanOpk chỉ còn cách vài bước chân… Cá không còn, người thì toát mồ hôi, cần thì biến thành 2 khúc khi cuộc chiến chưa tàn làm tôi sót cả ruột, thôi thì xem như đó là cái giá mình trả cho cảm giác 1 phút huy hòang rồi chợt tắt. Đến nước này dù không phải là fan của Manchester United, tôi cũng xin mượn câu nói nổi tiếng của Sir Alex Ferguson diễn tả khả năng dìu cá của tôi và anh Uehara: “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”.
Tai nạn nghề nghiệp
Hôm sau, tôi trở về Bangkok mang theo những tình bạn mới, những kỷ vật của KhaoLeam, những hình ảnh ngôi làng vùng biên trong mùa nước nổi, mang theo cả nụ cười tươi tắn của già SanOpk… và cái mà tôi không mang theo được là 1 phần tình thương mến của trái tim mình, tôi đã để lại nơi vùng đất bình yên này. Tôi ngộ ra: dù rất mê đọc sách, nhưng tôi trưởng thành nhờ những chuyến đi.
Nhật Bản 12/4/2006
Nghiêm Cẩm Vân
(Người Việt Nam đi câu tại Thái Lan gần biên giới Miến Điện nhưng gửi bài viết từ Nhật)... Tôi phải chú thích đầy đủ như thế để các bác không quá kinh ngạc nếu biết tôi cầm tinh tuổi con Dế Mèn phiêu lưu ký...
*********************************
Tôi hết sức xin lỗi bạn đọc vì chậm gửi phần tiếp theo đến quý vị. Tôi đã hoàn thành nó cách đây khá lâu, chỉ còn chờ o bế thêm mấy tấm hình nữa là tặng các bạn được ngay nhưng bất ngờ máy tính gặp sự cố khiến mọi dữ liệu bị mất sạch... để rồi thời gian qua đã lâu, hôm nay mới ngồi viết lại được, cảm xúc đã trở lại nhưng không còn nguyên vẹn, tràn đầy như trước.
Xin thứ lỗi cho sự vô ý của người viết lần này và chấp nhận bài viết phần tiếp theo như chấp nhận ly nước cốt dừa đã bị hỏng, đành dùng nước dảo thay thế.