Trong số những vị khách của sông Hồng mùa lũ còn có cả các loại cá đồng như trê, rô đồng, diếc, trạch, lươn, và đặc biệt nhân vật chính của chúng ta cũng có mặt : Đó là cá quả , hay còn gọi là cá chuối, cá sộp, cá lóc…
Lũ cá quả nhanh chóng nhận ra khu vực này rất hợp với chúng, những bụi cỏ rậm rạp trên bờ tràn xuống , những đám lá súng, bèo ta, những bãi sình lầy nhão nhoẹt với vô số bụi điền thanh chằng chịt, rồi cỏ nước giăng giăng kết hợp với rau muống và rau ngổ dại kết bè kết mảng…tất cả làm thành một nơi trú ngụ lý tưởng cho bọn rô phi, rô ta, diếc, mài mại, đòng đong, tôm tép…mà bọn này rốt cục toàn là những món khoái khẩu của cá quả. Khi nước rút đi rồi, đa số các loài cá cũng bỏ đi theo, riêng lũ cá quả ở lại, chúng quá yêu mến địa hình này. Vả lại chúng cũng chẳng thích thú gì dòng nước sông Hồng đỏ ngầu cuộn sủi kia là mấy. Vậy là lũ cá đồng còn lại trở thành mục tiêu của vài kẻ rỗi hơi vác cần câu trúc với mồi giun đỏ ra ngồi giết thời gian. Nếu chịu khó ngồi cả buổi họ cũng kiếm được đôi ba cân cá hợp chủng quốc các loại, chủ yếu là rô phi. Thế nhưng Quang Cá Quả tôi thì nhìn nhận vấn đề theo cách khác, thứ nhất tôi không đủ thời gian để ngồi cả ngày giật lên toàn rô với diếc, thứ hai là nhìn thấy một vũng nước tôi cũng nghi có cá quả chứ không nói đến bãi sình lầy này, vừa nhìn qua tôi đã khẳng định nơi này nhất định có cá quả, cho dù mấy tay rỗi hơi gân cổ cãi chày cãi cối là không thể có
( tôi thì tôi biết tỏng họ không muốn thêm một ai vác cần câu đến chỗ này nữa). Tôi cũng phải nói thêm là thời buổi này không dễ kiếm ra một cái đầm hoang như thế trong nội thành Hà Nội chứ chưa nói đến chuyện có thể câu tự do, mà lại còn được cá nữa chứ. Mấy tay rỗi hơi cứ tự cho là mình may mắn có đôi mắt tinh đời, muốn giữ độc quyền. Nhưng mấy gã đó không ngờ tôi đã đến, đã thấy, và … sẽ trở lại.
Cách đây vài năm có ai đó bạo gan ( và khá gàn dở ) đã thầu khu vực này để thả cá, để rồi mùa nước lên phóng sinh cá sạch như chùi, mất trắng. Tức mình, khi nước rút gã đem thuốc diệt cỏ đổ xuống làm những con còn sót lại chết tiệt, vớt vát được ít cá rô đồng. Chuyện đó như một bài học, như một chuyện hài, khiến sau này chẳng kẻ nào muốn mình trở thành trò cười cho thiên hạ nữa, và từ đó nơi này biến thành đầm hoang chẳng ai ngó ngàng, đến nay vẫn còn lại cái lều trông cá, một chiếc thuyền thủng đáy-vết tích cuối cùng. Bọn nghiện hút nhanh chóng biến khu vực này thành nơi chích choác, tụ bạ - đó chính là lý do khiến nơi này càng vắng vẻ.
Ngày đầu tiên vác cần câu đến, tôi ra về tay không. Địa hình quá đẹp, và quá khó câu. Phía những bè rau muống tôi nhìn thấy đàn ròng ròng với cả đôi cá bố và cá mẹ dắt con đi kiếm ăn, nhưng hễ thấy động, chúng chui tụt vào tít trong đám điền thanh, nơi mà nếu quăng mồi vào 100% mắc kẹt, chỉ có nước lội ra mà gỡ. Phía có những chiếc lá súng và bèo ta che phủ, tôi cảm thấy được những con cá đang lượn lờ phía dưới như thế nào, thi thoảng chúng đớp chuồn chuồn đội cả lá súng lên. Thế nhưng chỗ đó cách bờ có mỗi …100m, mà phạm vi ném mồi của tôi chỉ xấp xỉ 50m… quá xa đối với tôi. Để có thể quăng mồi tới chỉ có thể lội ra mà thôi. Thú thực là dù rất máu me nhưng lũ rắn nước ở đây to một cách dễ sợ luôn. Lần nào quăng mồi cũng có vài ba con rắn đuổi theo mồi nhái của tôi. Tôi biết một gã tên là Sơn, thường gọi Sơn Đen ( dân câu ai mà chẳng đen ) – gã này rất thích bắt rắn. Tôi định bụng hôm này sẽ rủ hắn đi câu, tiện thể bắt hết bọn rắn này nhấm rượu cho khoái, rồi tiện thể dọn dẹp một đường câu giữa đám điền thanh kia luôn, rồi cũng tiện thể lấy hắn làm…vật thí nghiệm xem dưới làn nước đen ngòm kia sâu bao nhiêu, có đỉa hay không…
Sơn Đen là một gã, tất nhiên là đen thui, quắt queo và không ngán khoản gì, gã có thể câu lỳ qua trưa, tới chiều tối, không cần ăn uống gì, mà tôi cũng quên hỏi xem gã có ăn sáng hay không nữa kia. Tôi tóm được gã ở một xó ao hoang khu Nam Thăng Long, cần mẫn câu con rô con diếc, thế rồi tôi thân tặng gã một cái cần câu máy, rồi tự gã câu được một con cá quả đen trùi trũi, thế là Từ ấy trong gã bừng nắng hạ, gã nghiện cá quả và từ bỏ cái ao quen thuộc để lang thang tìm những chân trời mới. Tôi bảo đi đâu gã đi đó, bảo nhảy vào lửa gã lắc đầu, chứ bảo nhảy xuống nước bắt cá thì gật đầu đánh rụp luôn.
Sau vài tiếng câu thử và thị sát địa hình, tôi quyết định quay về rủ Sơn Đen đi câu vào buổI khác. Nghe tôi kể chuyện, mắt hắn sáng rực lên háo hức. Hắn dính câu của tôi rồi. Bao giờ cũng thế. Trong câu chuyện của tôi, những con cá quả như những con cá thần vậy, đầy bí ẩn và kiêu hùng, gợn sóng nước chúng vẽ trên mặt đầm những vệt loang loáng, và sống lưng như một chiếc tàu ngầm. Chúng bắt mồi như thể có đứa trẻ con nào vác gạch ném xuống đánh rầm một cái vậy. Rồi thì những đàn ròng ròng đỏ hỏn to bằng cái mâm dễ đến có 1001 con chứ ít đâu, chứng tỏ con cá mẹ cỡ khoảng 3kg, mà để khỏi mang tiếng đôi đũa lệch thì con đực chí ít cũng phải 2kg…Sơn đen há hốc ra nghe chuyện, chân tay giậm giựt. Ngay tối hôm ấy hắn vác đèn pin đi soi nhái.
Vài hôm sau cứ thi thoảng tôi lại nhận được một cú điện thoại : Đi câu được chưa ? Nhái đầy giỏ rồi, biết làm gì bây giờ ? Tôi trả lời : Yên tâm, lũ cá quả ở đấy to và phàm ăn khủng khiếp. Vả lại nhái mồi để dự trữ không bao giờ là thừa cả, chúng có thể sống nửa năm không cần ăn.
Buổi câu tiếp theo vào sáng chủ nhật bắt đầu từ rất sớm, lúc 5h sáng tôi đã dậy, rón rén nín thở chuồn ra khỏi giường. Tại sao phải nín thở ? Tôi xin nói lại cho rõ : Vợ tôi mà tỉnh giấc thì khỏi câu kẹo gì luôn. Phụ nữ luôn có những lý do không thể chối cãi để ngăn cản chồng tham gia những vui thú của cuộc đời, bởi hình như đó là …thú vui của phụ nữ thì phải. Hãy hình dung tôi thò từng chân một ra khỏi màn khi GẤU MẸ VĨ ĐẠI đang thiêm thiếp ngủ, tất nhiên, cả GẤU CON BÉ NHỎ nữa cũng đang say giấc nồng. Cuối cùng tôi cũng ra được khỏi hang. Lúc đó đang là cuối tháng 9, trời se se lạnh, đường phố vắng teo.
Sơn Đen chờ sẵn ở cổng nhà. Tôi rủ thêm cả một tay nữa tên là Thắng, thường gọi là Thắng Tẩy. Sở dĩ có cái tên này là vì hồi học vẽ thi vào ngành kiến trúc cậu ta hay đeo cái tẩy lủng lẳng trên cổ. Thắng Tẩy bị tôi mê hoặc bởi viễn cảnh một chân trời mộng mơ tự do tự tại khi lang thang cánh đồng hoang. Cậu ta chưa biết đến cái gọi là hệ lụy , cái gọi là ảo tưởng tan vỡ. Cậu ta là một tờ giấy trắng. Tôi tha hồ vẽ, cậu ta sẽ …tha hồ tẩy.
Ruộng đồng được đô thị hóa liệu mai kia còn cá mà câu?
Của đáng tội, tôi đã từng dẫn câu ta đi câu một bữa đã đời, đó là vào khoảng tháng bảy năm 2005- đúng hôm chủ nhật mà cơn bão số mấy gì đó đổ vào Hà Nam, Thái Bình và mấy tỉnh ven biển. Giữa mưa bão, tôi và Thắng Tẩy choàng áo mưa đứng câu ở đầm Vân Trì – khách qua đường chắc tưởng hai thằng điên. Cá diếc nhiều quá ! Chúng tôi giật liên tục, tôi câu 2 cần nên không kịp trở tay, về sau phải bỏ bớt 1 cần. Mồi tôm, không thả thính. Rét run. Lúc về chia đôi cá mỗi ngườI được khoảng hơn cân. Trong 2 tiếng đồng hồ. Gió bão mịt mùng. Ấn tượng này khiến Thắng Tẩy phục tôi sát đất. Nhưng tuần sau đi câu ở chỗ này thì không còn một con diếc nào. Thật kinh ngạc ! Như thể chuyến câu trước chỉ là một giấc mơ vậy. Tôi thì suy đoán do thời tiết đặc biệt nên mới có may mắn ấy chứ ngay cả đám thuyền chài quanh đó cũng khẳng định là khu vực này làm gì còn cá diếc mà câu. Vậy mà cái hôm mưa bão ấy suýt chút nữa chúng tôi bỏ cuộc.
Trở lại chuyện câu cá quả. Thắng Tẩy đang khấp khởi sẽ thắng lớn ngay trận đầu. Và cậu ta vỡ mộng hoàn toàn. Suốt cả buổi sang hôm ấy không có con cá nào hỏi thăm mồi của cậu ta. Hãy tưởng tượng một người tập câu, quăng kéo muốn rụng rời tay chân mà không bóng chim tăm cá đâu thì chán nản như thế nào. Và sau này có một tay câu lão luyện tên là Thư Cò Đen, một tay câu đại tài tên là Phúc Chứng Khoán cũng đã được nếm trải qua cái cảm giác này ( về nhà một tuần mới hết đau nhức cánh tay, còn trong lòng thì…vẫn ấm ức vì chưa có cảm giác ghi bàn ). Ngày mai ngày mốt nhóm câu cá sông Hồng ( Red River Group ) tổ chức đi câu cá quả ở Phú Thọ, tôi không biết sẽ lại có những ai biết thêm thứ trải nghiệm khủng khiếp này. Có thể chính là tôi lắm chứ. Cá quả đôi khi thích những cú đột biến X-Fishman kiểu như mồi nhái giả lai ghép xuồng máy và tàu bay vậy.
Nói gì thì nói, Thắng Tẩy và Sơn Đen hôm đó, và cả tôi nữa đều ra về tay không. Sơn Đen may mắn hơn Thắng Tẩy ở chỗ còn có cá đuổi theo táp mồi, hắn giật liền tức thì khiến con cá chưa kịp hiểu gì thì mồI nhái ( tất nhiên cả lưỡi câu nữa ) đã bay vèo ra khỏi mồm. Những tay câu mới luôn có một nỗi ám ảnh là Ngộ nhỡ không nhanh tay con cá nó nhè mồi ra thì sao ? - Tôi xin trả lời bạn theo cách mà giáo sư Nguyễn Lân Dũng thường nói : Bạn thân mến,câu hỏi của bạn rất thú vị. Chúng tôi đã hỏi ý kiến tiến sỹ Lưỡi Câu Thép - Viện trưởng Viện Câu Kéo Quốc Gia, chuyên viên cao cấp ngành Sộp & Chuối & Lóc, trưởng bộ môn Nhái Bén Học…Và tiến sỹ cho biết rằng bạn không việc gì phảI lo sợ cả. Khi câu cá quả bạn phải tạm quên bộ môn Oánh Lục phản xạ búng đầu cần nhanh như chảo chớp ấy đi. Bạn không việc gì phải vội. Hãy đếm đến mười. Bí quyết đấy. 1,2,3…nào hãy nín thở…đến 10 thì hãy dứt khoát giật đầu cần cho lưỡi câu đóng chặt vào hàm con cá. Khi đó thì bạn có thể ung dung đánh một giấc rồi kéo cá lên cũng chưa muộn. Bí quyết đấy. Thật là đơn giản. Đơn giản là hoàn hảo.Bỗng dưng tôi nhớ đến câu thơ của Mít Đặc :
Có cái bánh nhân mỡ
Dưới gối cậu Ngộ Nhỡ
Và
Một hôm đi học ngang dòng suối
Biết Tuốt nhảy qua con cá chuối.
Tuy không phải là Biết Tuốt, cũng không phải là giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhưng Quang Cá Quả tôi cũng xin được khuyên những người lần đầu câu cá chuối rằng đừng nôn nóng hay giật mình phản xạ theo thói quen mà hãy dùng cảm giác để đoán biết khi nào con cá ngậm mồi đủ lâu và đủ sâu để búng đầu cần. Kinh nghiệm thì cần phải có thời gian và cọ xát. Nên nếu chưa có kinh nghiệm và không tin vào cảm giác thì hãy theo trường phái duy ý chí, cực đoan một chút và …đếm.
Cáu sườn vì Sơn Đen để sổng chú cá ham mồi, tôi ném mồi sát chỗ đó. Chẳng khách khí nhiều chú cá lại nhao ra làm đốp một tiếng gọn lỏn. Tôi chùng dây, để chú ta nhấm nháp con mồi chừng 5 giây, rồi vẩy đầu cần nhẹ nhàng. Sai lầm của tôi chính là đây. Tôi đọc bài viết Nghệ thuật câu cá lóc của bác Việt Hoà trên 4so9.com thấy tả các tay câu sành điệu chỉ vẩy khẽ là đã xóc lưỡi và con cá chịu chết. Tôi muốn thể hiện với mấy cậu đàn em mình rành cái món này thế nào. Thế nhưng tôi đâu phải kẻ sành điệu. Tôi chỉ là một gã cowboy lạc lối gẩy đầu cần quá nhẹ nên lưỡi câu hầu như chỉ móc hờ vào hàm con cá. Khi kéo con cá xềnh xệch trên đám bèo tôi đã hú hét phấn khích như thể ngon lành lắm. Mới kéo được 2-3m con cá đang giãy dụa bỗng tuột và biến mất. Cả bọn chưng hửng. Con cá cỡ 0,7kg. Tiếc quá !
Cả bọn chuyển sang đường câu dọn sẵn. Mới quăng lần thứ hai, tôi đã thấy một cuộn nước xoáy bên cạnh con mồi và một tiếng bụp trầm đục. Một con cá lớn ! Con cá ghì mồi cắm xuống bùn ngay tại chỗ. Tôi cho nó muốn làm gì thì làm. Tôi nín thở. Rồi tôi giựt mạnh. Sóng nước cuộn lên rồi con nhái vọt trở lại. Tôi kiểm tra cỏ đóng lưỡi còn nguyên, thì ra con nhái quá to, cỏ quá cứng nên khi cá ngậm mồi cỏ không bung ra được, con nhái như đỡ bên dưới ngăn không cho cỏ võng xuống chứ nói gì đến chuyện bung ra. Tôi không dám nói cho mọi người suy đoán của mình, nhưng nghĩ bụng con cá này to quá, chắc phải trên 1kg mất. Sau đó tiếp tục 2 lần nữa nó táp mồi, tiếng táp to đến nỗi Sơn Đen giật bắn mình run rẩy, không biết vì sợ hay vì phấn khích. Nhưng thật đáng buồn và đáng trách, tim tôi đập thình thịch và khi con cá táp mồi dữ dội như vậy tôi không biết phảI làm sao với nó nữa. Nó quá táo tợn. Tôi mất đi sự quyết đoán. Tôi không còn tin vào cảm giác, hoàn toàn thụ động, mặc con cá dày vò con nhái. Nói đúng hơn con cá đang dày vò hành hạ tôi. Thậm chí tôi cũng chẳng biết đếm nữa. Sau 2 lần trở lại không xơi được nhái, mà tôi giật không đóng lưỡi, con cá chán mồi và bỏ đi.
Tôi vô cùng thất vọng. Tôi cũng bỏ đi. Tôi di chuyển quanh và nhìn thấy ở góc đầm có một vật thể lạ như chiếc tàu ngầm đang di chuyển lượn lờ, nhưng bên trên là dày đặc cây điền thanh. Mặc kệ nguy cơ mất lưỡI câu, tôi ném mồi vào đó. Con nhái rơi đúng chỗ cần rơi, tôi có thể cảm thấy con cá giật mình như thế nào. Nó quay lại xem xét con mồi. Tôi nhấp nhấp cần câu khiến con nhái như đang cố gắng nhảy lên khỏi mặt nước. Chỗ này không thể kéo rê mồi vì dây cước vắt qua cây điền thanh, chỉ có thể lợi dụng cây điền thanh như cái ròng rọc để mà thả con nhái xuống giống như lực lượng đặc nhiệm SWAT đu dây nhảy xuống giải cứu con tin vậy. Con cá vô cùng ngạc nhiên. Nó bơi một vòng quanh chiến sĩ đặc nhiệm này. Tôi nhìn thấy những ngọn cỏ trên mặt nước lay động, vệt sóng mà con cá tạo ra. Thế rồi nó nhảy bổ vào đớp gọn con nhái ranh con đang nhảy loi choi trên mặt nước. Cái đầu nó nhô cả lên khỏi mặt nước, đen trũi và to dễ sợ. Tôi thét lên : Cứu ! Anh em ơi !
Nhưng đã quá muộn rồi ! Con cá thổi phì con nhái ra khi tôi giật cần câu. Tôi không thể lý giải tại sao lại có thể như thế. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh.
Một buổi câu thất bại thảm hại. Thắng Tẩy bỏ về trước. Tôi bảo Sơn Đen xuống gỡ lưỡi câu đang mắc trong đám điền thanh rậm rịt. Sơn Đen nhổ sạch đám điền thanh tạo thành một đường câu rộng chừng 60cm chạy dài khoảng 20m. Thế rồi chúng tôi bỏ đi theo một đàn ròng ròng đen sì. Con cá mẹ cỡ 1,5kg. Con đực không thấy đâu. Và chúng tôi giở mọi thủ đoạn ra một cách vô ích. Tôi đứng trên bờ ném mồi quanh đám cá con, Sơn Đen lội ngay cạnh và nhấp mồi thẳng đàn cá. Con cá mẹ lặng lẽ bơi loanh quanh xem chúng tôi làm cái trò quái quỷ gì với đàn con nó, nhưng nó chẳng hè động thủ gì cả. Nó đúng là Một người Mỹ trầm lặng.
Mệt rã rời, chúng tôi bỏ cuộc. Sơn Đen phát hiện ra một con chép lửa đỏ lừ cỡ hơn 1 kg, chắc ai đó thả từ dịp Táo quân. Tôi chẳng thiết gì cá chép, vả lại cũng chả có cách gì bắt được nó. Sơn Đen hí hoáy cầm vợt lội theo vớt. Có mà đợi đến …ngày Táo quân năm sau !
Rất nhiều cá, vậy mà trắng tay. Hôm sau Sơn Đen từ chối đi câu cá quả với tôi. Thắng Tẩy thì lặn mất tăm luôn. Thế nhưng tôi đã quyết định rồi, tôi sẽ đi một mình.
Đó là một ngày đặc biệt. Tôi đã nói rồi, ở phần II bài viết. Và đây là một bí mật nho nhỏ mà tôi sẽ kể vớI các bạn. Không phảI là bí mật về kỹ thuật câu. Không phải về chuyện bằng cách nào mà người ta có thể câu được một con cá to, hay là bằng cách nào mà ngườI ta có thể chiếm được trái tim của ngườI mình yêu, hay là cả hai thứ cùng một lúc. Hãy tha thứ cho sự dài dòng của tôi. Nếu đến lúc này bạn còn theo dõi câu chuyện của tôi thì bạn đã khiến tôi kính phục rồi đó : Bạn quả là kiên nhẫn khi nghe tôi kể lể dông dài về một buổi câu thất bại buồn tẻ. Như một trận đấu không tỷ số, không thẻ đỏ thẻ vàng, cầu thủ ngủ gật trên sân. Vậy thì đây sẽ là quà tặng của tôi dành cho bạn vì sự kiên trì đó. Bạn hãy đọc tiếp nhé, về cái ngày mà tôi một mình âm thầm dậy sớm, lại rón rén chui ra khỏi chăn ấm nệm êm. Vợ tôi - GẤU MẸ VĨ ĐẠI và cô con gái đầu lòng mới chưa đầy tháng - GẤU CON BÉ BỎNG - cả hai đang thiêm thiếp ngủ. Tôi ngắm hai mẹ con mà trong lòng cảm thấy vô cùng tội lỗi. Hơi ấm tôi mang theo, cũng như cái cảm giác tội lỗi này cứ đeo đẳng mãi. Ngoài đường gió lạnh heo heo, phố vắng teo. Tôi là một gã cowboy bị trời đày không đâu tự dưng rời bỏ tổ ấm đi săn lùng mấy con cá khốn khổ ở một cái xó hoang lạnh. Thế đấy, tôi đã nói rồi, đây không phải câu chuyện về tình yêu, không phải về chuyện làm thế nào để câu được cá to. Đây là câu chuyện một kẻ đi tìm câu trả lời ở cuối con đường, hoặc chính con đường là câu trả lời. Khó hiểu ư ? Tôi có thể nói thế này vậy : Hoa hồng vốn không có ý nghĩa gì cả, quan trọng là anh tặng nó cho ai và anh tặng theo cách như thế nào. Sao lại là hoa hồng ?
Tôi không dài dòng nữa. Tôi đến cái đầm nước đó. Tôi ném mồi. Con nhái vừa chạm mặt nước, một chú cá quả đen ( hay còn gọi là cá sộp ) lao vút lên đón mồi. Bạn hãy tưởng tượng cá heo biểu diễn bay cầu vồng qua vòng như thế nào thì con cá của tôi làm đúng như vậy. Tôi không biết cách nào mà lần ném mồI đầu tiên nó lại có thể bắt mồi chính xác đến vậy. Và quá bất ngờ, tôi giật mạnh ngay tức thì. Con cá văng trên mặt nước tung toé, quằn quại đau đớn. Tôi vô cùng thích thú nhận ra nó là cá quả đen, loại này bây giờ rất ít. Tôi tiếp tục câu. Con cá thứ hai không có gì đặc biệt, nhỏ hơn con trước. Tôi đang chờ điều kỳ diệu kia. Và nó đây rồi, con cá đớp chiến sỹ nhái đặc nhiệm hôm trước, vẫn loanh quanh chỗ cũ. Nó táp mồi kêu ủm một tiếng rồi tha ngang con mồi vài mét, nó dừng lại, nó nhai nhai, ngẫm nghĩ điều gì đó. Trước khi nó nghĩ ra, hay là phát hiện ra sự thật về cái gọi là mồi nhái, rằng đây thực ra là một âm mưu hiểm độc, rằng đằng sau ngọt ngào là man trá…thì lúc đó đã quá muộn cho nó. Tôi thẳng tay kéo cần, con cá chống cự dữ dội. Cỏ rạp xuống. Khi cách bờ khoảng 3-4m, do đau nên con cá há mồm hòng nhè lưỡi câu ra, và cỏ vướng đầy vào mồm nó. Không có cách nào kéo vào được. Tôi không dám chùng cước, vì chùng cước là mất. Tôi nhìn rõ con cá, và có lẽ nó cũng nhìn tôi. Tôi chờ đợi, tôi đợi nó mệt và tôi sẽ cầm vợt lội ra. Nó cũng chờ đợi, chờ tôi nương tay và nó sẽ vùng thoát thân, nếu thoát kiếp nạn này nó sẽ thề không bao giờ sát hại một con nhái nào nữa, cá con cũng vậy…nó sẽ ăn chay niệm phật…Và có lẽ giây phút này nó mới biết yêu quý cuộc sống, nó nghĩ đến công lao của cha mẹ nuôi dạy nó nên…cá, nó nghĩ đến những góc ao hoa súng giản dị mà thật là đẹp đẽ, những con tôm chậm tiến bơi giật lùi, và những con cua bò ngang đầy cố chấp…Nó nghĩ đến tất cả, thật đáng yêu và giản dị. Nó nghĩ đến tất cả những điều… không có thực. Vì thực ra nó chỉ đang đau đớn.
Cuối cùng, không thể chịu đựng hơn được nữa, khi mà tôi chuẩn bị lội xuống thì nó lấy hết sức vùng vẫy một lần nữa, đám cỏ tự động rời ra và tôi kéo nó lên bờ. Nó to một cách đáng ngờ, vớI cái lưng màu đen và cái lườn màu da đồng pha những đốm hoa trắng nhạt.
Tôi về qua nhà Sơn Đen khoe cá, hắn vác cân ra : 1,1kg - Vậy mà tôi cứ ngỡ nó phải 1,5kg. Thì đúng thôi: Cá to bao nhiêu là do cái cách mà bạn đánh giá về nó, hay là nói cách khác bạn có tôn trọng đối thủ hay không, bạn có cho nó cơ hội để thua bạn hay không, hay ngay từ đầu bạn đã không cho nó cơ hội này mà bạn vội vã bỏ cuộc ?
Triết lý này nghe quen quá nhỉ ? Nếu chỉ để nói về điều này có đáng để cho bạn mất thời gian hay không ? Tôi nghĩ là không. Tôi quay lại câu tiếp. Con cá to còn lại ( hay là một trong số những con cá to còn lại ) táp mồi cực kỳ dữ. Tôi ước chừng nó khoảng 1,5kg là ít. Không gì có thể tả sự kinh ngạc của tôi sau đó : Con cá dính lưỡi câu bỗng phi như điên về phía tôi rồi bay cầu vồng lên, nó thổi phì cái lưỡi câu ra như thể muốn nói : Trả lại tên cho em nè !
Thế đấy, nó gỡ lưỡi câu như trò đùa rồi lặn mất tăm. Vừa chinh phục đỉnh cao tôi lại vấp ngay một thất bại nữa. Nhưng không sao. Tôi đã quyết định rồi. Hôm nay thế là quá đủ , tôi hẹn sẽ quay lại bắt con cá này vào một ngày khác. Lũ trẻ con chứng kiến màn biểu diễn bay cầu vồng phun lưỡI câu của con cá thì hò hét inh ỏi. Không hiểu chúng cổ vũ tôi hay con cá ? Con cá quá to, và tôi thì quá ngây thơ.
Tôi ghé qua hàng mua 12 bông hồng nhung. Tại sao lại 12 ? Vì hôm nay là kỷ niệm 1 năm ngày cưới vợ chồng tôi, với 12 tháng trôi qua. Một bí mật nho nhỏ của tôi mà tôi chia sẻ với các bạn. Khi tôi về đến nhà, hai mẹ con nhà gấu vẫn ngái ngủ. Tôi bảo gấu mẹ : Hôm nay là kỷ niệm ngày cưới chúng mình, anh mua hoa tặng em này. Trên đường về tiện thể anh ghé qua cái đầm hoang câu mấy con cá để ăn mừng. Em dậy mà xem, hoa đẹp lắm, cá thì to ơi là to !
05/2006
Đặng Thiều Quang