Lịch sử phát triển:
Theo truyền thuyết nơi đây là một hồ lớn, vào thời Lê Lợi, người dân đắp đập cát chạy vắt ngang hồ để quân đi qua, dễ cho việc bảo vệ bờ cõi. Hồ lớn này từ đó bị chia thành 2 phần: tiểu hồ và đại hồ. Do “Bàu” trong tiếng địa phương nghĩa là “hồ” nên từ rất lâu, người địa phương đã gọi là tiểu hồ là Bàu
Ông và đại hồ là Bàu Bà. Bàu Bà còn được gọi là Bàu Trắng do nằm giữa ba động cát trắng và ngày nay nó cũng thường được gọi với cái tên Bàu Sen bởi trong hồ hoa sen nở suốt quanh năm, phủ kín cả một vùng hồ.
Năm 1867 khi Nguyễn Thông đi ngang qua đây, thấy cảnh đẹp của Bàu Trắng mà cụ gọi là “Bạch Hồ”. “Bạch Hồ” bắt đầu xuất hiện trong thơ của Nguyễn Thông và cũng từ đó trở thành tên mà giới thi nhân gán cho Bàu Trắng.
Đặc điểm tự nhiên
Hồ được bao quanh bởi những đồi cát trắng tinh xen lẫn những hàng thông rừng thấp. Mặt hồ phẳng lặng đẹp lạ lùng bởi sắc sen hồng thắm nở rộ trong làn nước xanh trong vắt.
Bàu Bà có diện tích 70ha, nơi rộng nhất là 500m, độ sâu trung bình là 5m, nơi sâu nhất là 19m, càng về phiá bờ, nước càng cạn dần. Bàu Ông thì nhỏ dài còn Bàu Bà thì rộng, sâu. Nước ở bàu Bà ngọt hơn bàu Ông, sen cũng nhiều và đẹp hơn, hầu như nở cả bốn mùa.
Hệ sinh vật ở Bàu Sen rất phong phú, có nhiều loại cá nước ngọt rất ngon: cá rô, cá lóc, cá trê, cá trắm cỏ... Ngày xưa ở đây còn có cả cá sấu, nhưng con cá sấu cuối cùng đã bị đánh bắt từ trước năm 1975.
Hoạt động vui chơi, giải trí
Đến Bàu Trắng, ngoài việc du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của một hồ sen nằm giữa cồn cát trắng, du khách còn có dịp lênh đênh trên hồ bằng xuồng của ngư dân ven vùng hoặc câu cá nếu thích. Còn muốn tổ chức picnic, bạn có thể cắm trại tại khu rừng dương ở bên phía bờ Bắc.
Ngoài ra, bạn còn có thể thăm dấu tích của đền thờ nữ thần Yana ở phía nam Bàu Trắng, vị thần được người Chăm tin rằng đã mang đến nguồn nước cho con người và động vật rừng ở đây trong những mùa khô hạn.
Đi đến Bàu Trắng
Ðể đến Bàu Trắng, du khách có thể đi bằng hai đường: đi xe Jeep từ Hòn Rơm - 12km, (giá khoảng 400,000 đồng 1 xe đi được 3-4 người), hoặc từ thành phố Phan Thiết theo quốc lộ 1A đến thị trấn Lương Sơn, có ngã ba, rẽ phải chừng 18km là đến nơi.
Nếu xuất phát từ Hòn Rơm, khách có thể cho xe chạy dọc theo đường đến Mũi Né, qua chợ Mũi Né, Đồi Hồng cứ thế chạy dọc bãi biển. Xe chạy khoảng một tiếng đồng hồ từ Mũi Né là vào tới Bàu Sen.
Còn nếu đi theo hướng Lương Sơn, du khách sẽ băng qua những ngọn đồi trọc, lúc lên cao, lúc xuống thấp, xuyên qua các cánh rừng sò đo, rừng dừa xanh mướt trên những động cát trắng thơ mộng.
Các điểm du lịch gần Bàu Trắng
Câu cá ở bờ biển Hòn Hồng: Cách Hòn Rơm khoảng 15 km, đi theo con đuờng hướng đến Bàu Trắng sẽ có 1 ngã 3, rẽ phải (phía bên trái đi Bàu Trắng), chạy thẳng hết đường sẽ thấy Hòn Hồng. Ở đây có thể câu lúc đêm hay ngày đều được, chỉ cần chờ nước lên cao vì ta chỉ có thể câu trên bãi cát, phía trước là vùng trũng, nước khá sâu. Cá đây chủ yếu là cá Tráp ( cá Hanh ), cá vồ ... Đến nơi đây, bạn nên chuẩn bị trước đồ ăn, thức uống vì nơi này có rất ít quán sá.
Nguồn: http://www.sunsearesort-muine.com