Ấy đấy, bà xã tôi cuối cùng cũng phải chịu, rồi tự đi chuẩn bị hành trang, còn tôi thì tiếp tục công việc làm thính, chuẩn bị cần, máy câu…
Sau nhiều lần gợi ý đi nghỉ mát tại Sapa, Tam đảo nhưng tôi biết là không có chỗ câu, lấy lý do cho con gái tắm biển, tôi quyết định đi Cửa Lò (tôi đã nhiều lần ngắm nhìn dải ghềnh đá ven đảo Lan Châu mà)
Nóng khủng khiếp, đấy là cảm giác đầu tiên của chuyến đi nghỉ “mát”. Đường bỏng rẫy, cỏ cây cháy, hoa muống biển cháy, những con người da đen cháy và đến phòng khách sạn cũng cháy nốt. May mà có anh bạn học thời phổ thông đang quản lý một khách sạn của gia đình ở trong đó nên đặt phòng cũng dễ dàng. Hú vía.
Những bông muống biển tươi tắn sau bóng mát của tòa nhà, nhưng chỉ hơn một giờ sau sẽ không còn hình hài nữa, vón lại một nhúm tim tím
Việc đầu tiên sau khi nhận phòng là nghó nghiêng xem có ai cầm cần câu không. Không có. Lân la ra chỗ mấy anh xe ôm hỏi :
- Ở đây có chỗ nào câu cá được không anh ?
- Có đấy, cá 45 kg thiếu gì
- Không, tôi hỏi chỗ câu cá biển thật đấy chứ
Một anh đang chuẩn bị chở một bà khách ngoái đầu lại :
- Câu à, có chỗ đấy
Nói rồi anh ta phẩy phẩy tay ra hiệu rồi nói bà khách xuống, chỉ bà ấy qua một anh xe ôm khác.
- Anh cũng thích câu à ?
- Vâng, tôi đi nghỉ mát chủ yếu là tìm chỗ câu cá thôi
- Ở trong này có nhiều chỗ câu tốt lắm, nhưng mấy ngày nay có gió Lào nên cá không cắn mấy.
- Trong này có cá tráp không anh ? Cá hanh ấy
- Có nhiều lắm, nhưng chưa đến mùa đâu, phải từ tháng mười âm lịch trở ra thì mới có, cá lớn lắm. Mùa này chỉ có cá đỏ (cá hồng), cá mú, cá song thôi.
- Hay quá, hay quá bây giờ câu được không ?
- Mùa này nó chỉ ăn về tối thôi, ban ngày nó không ăn, vào đúng mùa thì nó ăn cả ngày lẫn đêm. Mà bây giờ câu chỉ đứng khoảng 1h là chết liền, hôm nay nóng 40 độ đấy, để tối đi hầy.
Anh ấy kể rằng, trong ba tháng hè thì chủ yếu chạy xe kiếm thêm, tối thỉnh thoảng đi câu. Có những hôm một tối câu cá mú, cá đỏ bán được bảy tám trăm ngàn, nhưng ít có những tối như thế. Còn vào mùa cá hanh, cá vược thì câu sướng lắm, cá rất nhiều và to như hai bàn tay xòe. Ngoài chuyện câu cá để kiếm thêm thu nhập thì phải ham mới theo được, mưa gió rét mướt này, đá lăn này “à mà đá vừa lăn chết một gia đình đấy, báo cũng đăng, gần đó có một chỗ câu rất hay, nhiều vược lắm”.
Anh ấy sinh năm 1966, hơn tôi một tuổi, có con trai lớn đang kinh doanh nhiếp ảnh bên Lào và hai cô con gái nhỏ. Trước đây cũng buôn bán hàng điện tử cũ nhưng cũng “nỏ (không) mần (làm) được bao nhiêu”. Bây giờ làm nhiều việc khác theo thời vụ, “được cái khu du lịch này ngày càng đông khách nên cũng mần được kha khá" và có nhiều thời gian để đi câu. Anh ấy tên là Xô
Hai thằng nghiện câu ngồi dưới bóng cây trước khách sạn huyên thuyên đủ thứ, vừa hay, anh bạn của anh Xô là anh Tuất cũng tới, chuyện nở như bắp rang, quên hết cả những cơn gió Lào rát rạt rồi hẹn nhau tối sẽ đi câu. Anh ấy tiếp tục công việc thường nhật, tôi chạy qua bên đường mua moi khô để trộn thính
Anh Xô (người đội mũ cối) và anh Tuất, hai cần thủ có hạng tại Cửa Lò
Tối, trời vẫn nóng rát. Ba anh em đi về phía ghềnh đá đảo Lan Châu. Trước đây nó là đảo nhưng giờ đã nối với đất liền và có đường ra nên nó là bán đảo thì đúng hơn, nhưng dân ở đây vẫn quen gọi là đảo. Ở đảo này mới xây dựng một cầu tàu, bên cạnh đó là dải đá ngầm lô xô. “ở đây vào mùa nhiều hanh lắm, tôi và Tuất câu không biết bao nhiêu mà kể, nhưng mùa này ít lắm, câu chơi cho biết chỗ thôi” , anh Xô nói vậy.
Anh Xô và anh Tuất dùng cần hóp và ống cước bằng tre, tôi dùng cần ISO và máy. Hai anh ấy bảo trước cũng dùng cần máy nhưng không thấy thích vì không dễ sử dụng hơn cần hóp nên bỏ ở nhà, không dùng nó nữa. Ôi chao, cá nóc ở đâu mà nhiều thế không biết, chỉ một loáng tôi đã lôi lên 14 chú cá nóc, anh Tuất và anh Xô câu đáy nên các nóc không cắn. Trời oi bức, mồ hôi phun ra từ chân tóc chảy tràn vào mắt cay xè. Cá nóc vẫn cắn như điên. Chán. Thu cần rồi ba anh em ngồi tán phét. “Để tối mai câu chỗ khác, chiều mai tôi sẽ đi Vinh mua mồi” anh Xô nói vậy.
Cá nóc mùa này nhiều vô kể, thuyền đánh cá về đổ hàng đống trên chợ, nghe nói cá nóc này được xuất khẩu sang Nhật và Hàn quốc đấy
Người dân ở đây vẫn cắt đầu, lột da, bỏ nội tạng rồi nấu ăn “ngon lắm chú, mua vài ký ăn thử đi”, bà bán cá tay lột da, miệng chào mời :
Miếng thịt cá nóc sau khi lột da hồng hào, tươi nõn, nhìn ngon mắt. Nhưng ăn thì…
Còn đầu, da, nội tạng lại trả về biển :
Chợ Cảng buổi sáng thật nhiều sản vật của biển, ngoài đống cả nóc, còn có cá thu, cá hồng và cơ man nào là mực, bề bề (tôm tít) à mà cá rô biển cũng rất nhiều, trước đây ngư dân bắt được rô biển thì phải thả vì sợ “lóc” “rô là zêrô mà, nỏ đánh được cá nữa. Bây giờ thì cũng mong đánh được nhiều rô” anh Xô cười nói.
Để mua được mực tươi ngon thì phải chọn những con có nhiều chấm màu đỏ au, những chấm này luôn nhấp nháy nên người ta còn gọi là “mực nháy”…
… còn mắt mực đen nhánh, trong trẻo, ấy là mực tươi.
Bề bề rất nhiều và rẻ, khoảng 25.000đ/kg nhưng chọn được bề bề ngon cũng không dễ. Cách chọn là ngoài việc nó còn sống nguyên hoặc chí ít là mới chết (người còn trong và chắc) thì điều quan trọng là nên chọn những con khi lật ngửa nó lên, ở đuôi có vệt màu hồng đỏ. Những con này bụng của nó chứa một dải trứng khi luộc lên ăn rất bùi và béo :
Cuối cùng thì cũng tới tối. Ba anh em xin vào cảng Của Lò câu nhưng bảo vệ không cho. Trước đây vào câu thoải mái nhưng vài tháng nay thì người ta không cho dân vào nữa. Chuyển sang cống Nghi Quang thôi. Đường xa hun hút, trời tối đen, đi qua chỗ có một hòn đá to nằm ven đường trên một cái nền nhà cũ “đây là nơi hòn đá lăn đè chết cả một gia đình mà đài báo đưa tin đấy, nhà này nghèo lắm, nhà ông chú nó sát vách nhà tôi đấy” anh Xô nói vậy, tôi bất giác rùng mình. Nguy hiểm thật, thế mà còn rất nhiều nhà nằm ở chân “rú” (núi) lắm.
Cống Nghi Quang nằm cạnh một trái núi cao là một cống rất lớn, có rất nhiều cửa, là nơi ngăn giữa sông và biển. Bên này nước ngọt nhưng bên kia nước đã mặn rồi. Chúng tôi ngồi câu ngay chân núi, bên phía nước mặn. Lúc này cống đang đóng, nước chỉ chảy ri rỉ, róc rách. Anh Xô rất hào hứng “nước chảy như ri (thế này) là câu được lắm, anh có thấy cá vược đớp rầm rầm không ?” Quả thật, cá vược đớp oàm oạp ngoài xa nghe rất kích động. Tôi triển khai cần, và rất ngạc nhiên khi thấy anh Xô đưa cho tôi một con cá chạch (chạch tre, loại bằng ngón tay), anh Xô và anh Tuất nói biết thế nào tôi cũng há mồm vì ngạc nhiên vì câu cá biển bằng cá chạch thì hình như chỉ có ở đây (Cửa Lò). Cá chạch nó rất tanh và lâu chết ở trong môi trường nước mặn, anh Xô được một người câu chuyên nghiệp sau khi giải nghệ vì già lão đã bày cho và anh ấy đã câu được rất nhiều cá song, cá mú, cá vược, cá đỏ, cá hanh… bằng mồi chạch và mồi cá tràu (cá quả, lóc). Cá tràu lựa những con lớn hơn ngón tay cái, một lưỡi móc vào mép, một lưỡi móc gần đuôi (như trên forum đã giới thiệu cách móc mồi cá sống) và câu rê sát đáy. Cách câu này đặc biệt phù hợp với những cần thủ biết rõ địa hình hang hốc ở đáy biển (như bài câu song lỗ của Vifiman). Ném con mồi ra xa, để nó chìm sát đáy rồi thỉnh thoảng cuốn rê vào hai vòng cước. Đảm bảo khi con mồi đi ngang qua hang song, mú thế nào nó cũng lao ra đớp “thế nào tôi cũng lôi lên một con mú để ông mang về Hà Nội cho biết thế nào là mú Cửa Lò” anh Xô nói chắc nịch. Tôi móc lưỡi câu vào gốc vây lưng con chạch rồi câu lửng, “để chạch bơi vòng vòng là các loại cá đều lao vào đớp” nghe mà ham. Ba anh em chăm chú ngồi câu, thỉnh thoảng nghe anh Tuất và anh Xô quăng mồi vun vút, tôi chăm chú nhìn phao đèn nhấp nháy vì có con chạch bơi ở dưới. Một tiếng đồng hồ trôi qua chưa ai được con gì (đã thoát nạn cá nóc) “càng về khuya, cá càng ăn mạnh” anh Tuất nói.
Ấy vậy mà, bọn “dở hơi” điều hành đập mở cửa xả nước, nước sông cuồn cuộn chảy mang theo đủ thứ rác rưởi, lục bình, tre pheo tùm lum. “thôi thế là xong, nỏ câu được nữa rồi” anh Xô tiếc nuối.
Lại ngồi ngắm sao tán phét. Nơi chân núi này có một dải đá ngầm bên dưới nơi trú ngụ của song và mú, vào mùa hanh thì câu ở dải ghềnh đá phía sau, nhiều lắm. Nhưng phải chú ý vì có dê đi ăn trên núi, thỉnh thoảng lại đạp rơi hòn đá bằng cái mũ cối, “nhiều lần tôi và Tuất phải quẳng cả cần câu mà chạy”
Tán phét một hồi thì đã quá nửa đêm, chúng tôi chia tay, tôi tặng anh cái đèn câu đeo trán, anh tặng tôi ống cước bằng tre tự gọt giũa. Ôi chao, tình cảm của dân câu mới quen biết nhau chưa tới 48h sao mà thấy thân thiết. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau thật nhiều thứ, mồi câu, cách câu và thậm chí còn chế biến cá câu ra sao nữa. Hẹn nhau vào mùa cá hanh, chúng tôi sẽ lại đi câu chung với nhau.
Trên chuyến tàu trở về Hà Nội, khi qua địa phận tỉnh Nghệ An thì ông bạn ở nhà nhắn tin “đội bóng Việt Nam thua Nhật Bản 2-1 nó ép sân kinh lắm, có lẽ thua thêm”, khỉ thật, ngày thì nóng, đi câu thì móm và gặp trở ngại, về thì Việt Nam lại thua. Tắt béng điện thoại, không nhận tin nữa.
Về Hà Nội mới hay Việt Nam vẫn vào được tứ kết, lại thấy vui lên một chút. Sáng nay đi làm, anh Xô gọi điện “cả nhà về tới nơi mạnh khỏe chứ ? tháng mười nhé...” Tự dưng thấy sống mũi cay cay. Bạn câu hỡi, nhất định mùa câu hanh này chúng ta sẽ gặp lại nhau !
Cửa Lò, tháng 7/2007
Coden