Cuối tuần xách giỏ... đi câu
Thú vui câu cá, hít thở hương đồng cỏ nội.
“Chiều chiều ông Ngự đi câu/Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng". Có người nói "ông Ngự" trong câu này chính là vua Duy Tân trong câu mái nhì buồn thương của Huế "Chiều chiều trước bến Văn Lâu/Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?...". Lại có người nói "ông Ngự" chính là "ông Lự", một Mệ Huế ở Cửa Trài, ngày xưa nổi tiếng sát ngư, mặc dầu ông chỉ là tay câu tài tử. Chứ vua đi câu đầy tâm trạng nước non thế mà ai lại lích kích đem theo cái ve, cái chén làm gì?... Xem ra thì lập luận của ý kiến thứ hai có vẻ đúng hơn.
Hậu duệ chính thống của ông Lự tại xóm Cửa Trài sát đồn Mang Cá xưa hiện không rõ là ai nhưng cách đây vài năm, ở đó có mấy tay câu tài tử rất nổi tiếng. Họ chỉ xách cần đi từ ba bốn giờ chiều đến khi mặt trời sắp tắt đã đem cả giỏ cá đầy về. Khu vực của mấy tay câu này ngự trị là Hộ Thành Hào đoạn cầu Cửa Trài ngược lên trên hoặc dưới. Tương truyền ở đó có cả một vỉa cá thát lát, loại cá các bà nội trợ Huế rất thích bởi lóc thịt nó làm chả cá um măng chua thì các đức ông chồng trăm ông mê mẩn cả trăm. Cựu trào câu cá thát lát tại đây là anh Dũng. anh kể có hôm anh câu chỉ trong hai giờ đã được trên ba chục con cá bự hơn bàn tay. Thát lát hay đi ăn theo đàn như cá ngạnh vậy, nên chi đã câu được một con cá thì đừng vội nản nếu chờ lâu không thấy ăn lại. Thát lát cũng đa nghi nhưng rất dễ say mồi. khi đã say mồi, chúng không để ý đến việc "bè bạn" cứ vơi dần. Về sau này, Hộ Thành Hào lấp dần, vỉa cá này cũng vơi đi, anh Dũng và nhóm bạn cũng không còn thời gian như xưa nên đi qua đoạn này đã thấy vắng bóng người câu. Nhưng ngược lên phía Ngọ Môn, ngay trước cổng Thượng Tứ, thỉnh thoảng ngày đẹp trời cũng thấy có nhiều tay ngư phủ đủ mọi lứa tuổi giăng hàng câu cá rô phi hiện sinh sản rất nhiều.
Ông Lưu ở Vỹ Dạ chép miệng nhớ lại cái thời cách đây khoảng hai chục năm. Không hiểu sao hồi đó ngoài sông Hương cá rất nhiều, cá nổi đầy sông đến mức đi trên cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền và cả cầu Bạch Hổ nữa cũng thấy cá mương, cá hanh liếc quanh trắng cả mấy cột cầu, chỉ cần thả câu xuống là tha hồ giật cá. Ngày đó có khi ông câu con cá hanh nặng gần cả ký lô lận, sướng lắm! Sau này, sông Hương đục nước nhiều hơn trong, cá không hiểu vì lý do gì cũng vắng bóng dần, không còn thấy cảnh chiều chiều, đêm đêm trên các cây cầu lộng gió, nhiều tay thả câu bên thành cầu và du khách đã phải dừng chân theo dõi. Ngày xưa, ông Lưu có cái cần câu rất đẹp làm bằng cây hóp lỏng già cật ông chặt ở ngôi Mả Cao trên đường về làng Hương Cần cách Huế 10 km. Trong ký ức của ông, ngôi Mả Cao này xưa là cả một rừng hóp xanh, có một thời gian nghe đồn có băng cướp trú ngụ nên không ai dám chặt phá. Chỉ riêng ông quá mê câu nên một ngày nọ đâm liều đem rựa chạy xe từ Huế về chặt. Cướp không thấy đâu mà chỉ thấy cả một rừng hóp để ông tha hồ chọn. Thế nhưng bây giờ, chiếc cần chỉ còn trong ký ức 50 năm về trước. "Bây giờ tụi nó thích câu cũng không biết câu cá gì, có con nào ngoài sông nữa đâu mà câu!" - ông Lưu nói. Cũng theo ông Lưu, câu cá bằng cần tre hóp mới thích, chứ sau này lớp trẻ có mấy anh câu cần nhựa, nó không sướng tay tí nào.
Cố nhà thơ - nhà báo Thái Ngọc San trong một lần thả câu lúc sinh thời.
Thế mà cứ mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật, lại thấy vài chục xe máy cứ hai anh một xe, thỉnh thoảng có mấy nàng cũng xách mồi đi theo xem chàng câu cá. Địa điểm mà các anh chị hay đến là khúc cong sông Bồ đoạn chảy qua làng La Vân Thượng thuộc xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cách Huế khoảng 13 km. Tương truyền ngày xưa vị tướng tài hoa này cũng là tay sát ngư, và đi câu cũng là hình thức truyền đạt thông tin làm cách mạng với các đồng chí của mình. Khúc sông này người dân nuôi cá lồng rất nhiều nên cá ngoài sông rất hay tụ tập quanh các lồng để "ăn ké" thức ăn. Các tay câu chỉ cần thả câu gần lồng và chờ đợi. Cá ở quanh các lồng này thường là cá mè, cá chép, cá trắm và ăn khá tạp. Mồi chỉ cần một miếng bột mì ngào với tép, thậm chí một hạt bắp non là đủ. Nếu muốn câu cá trê thì vào Bàu Gian ở gần đó. Bàu Gian là cái đầm lầy rộng và khá sâu, sở dĩ có tên như vậy bởi ngày xưa tương truyền Thần Khai canh Phe Kiền làng Hương Cần (Hương Trà) nổi tiếng quýt ngọt ăn gian phần đất của làng La Vân mà có. Bàu này có con lạch thông ra sông Bồ nên cá đồng thường ngược nước mùa mưa chạy vào, nhiều nhất là cá trê. Loài cá trê khá lạ, nó nghe tiếng nước dộng và đám bùn khuấy lên là tụ tập đến tìm mồi. Ngày xưa khi người ta nuôi trâu nhiều, thường trẻ chăn trâu thả trâu ra ăn ở đây, chỉ cần trâu lội qua là mấy tay câu thả phao xuống liền. Nay thì đồng cỏ vắng trâu, đi câu phải đem theo cái dậm để dậm, dậm xong thì thả phao xuống ngay chỗ đó, có thể dậm một lần nhiều chỗ và thả nhiều cần một lúc vì cá trê ăn khá tạp. Nhưng câu cá trê phải biết cách giật cần. Cá trê đồng khi ăn, ngậm mồi xong thì kéo mồi đi giật lùi nên phải giật cần câu cùng chiều với hướng phao chạy mới mong lưỡi câu móc vào mép cá, còn nếu giật ngược chiều, lưỡi câu sẽ bị vuột. Câu cá chép, cá diếc cũng khó không kém. các loại cá này ăn rất "kín", răng chúng sắc và thường đưa mồi lên rồi mới ăn nên nhiều khi phao không động đậy mà cá đã chén sạch mồi, mặc dầu mồi là những con trùng đỏ bám rất sát lưỡi câu. Đi câu cá diếc, cá chép thì ngược lên phía trên khoảng 3 km nữa, qua cầu Phước Yên đến quê hương của ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam - nhà thơ Đặng Huy Trứ ở làng Thành Lương, xã Hương Xuân (Hương Trà). Chảy qua làng có một con hói dẫn nước từ sông Bồ vào, không hiểu hơi bùn con hói thế nào mà cá chép, cá diếc sinh sống rất nhiều. nhiều gia đình ở đây cứ đi làm đồng về xách cần ra câu chừng nửa giờ là đã có bát canh chua đầy cá, khỏi phải đi chợ. Ở con hói này, thỉnh thoảng đi câu cũng gặp cá ngạnh hay có nơi còn gọi cá ngạnh nguồn. Gặp loài cá này thì giật mỏi tay phải biết vì nó rất tham ăn và đi theo đàn, chỉ có điều gỡ nó ra khỏi lưỡi câu cũng hơi rắc rối vì ngạnh nó đâm đau nhức không kém gì ngạnh cá trê. Dân đi câu cá đồng thường thích câu cá rô nhất. loài cá này ngậm mồi xong là rút phao rất sâu, chỉ cần giật cần nhẹ một cái là đã thấy chú cá tung tăng đầu cần rồi, rất sướng tay, sướng mắt. Còn ở đầm Phong Chương thì chỉ dành cho các tay câu cá tràu (cá lóc). Trên tuyến đường từ quốc lộ 1A đoạn qua những quán cơm Phò Trạch nổi tiếng ở Phong Điền, có một con đường chạy qua những trảng cát rộng mênh mông nối về Phong Chương. Thế nhưng, đi khoảng vài ba cây số đã thấy dưới chân những trảng cát này nhiều cái đầm xăm xắp nước. Có những ngày, dân câu từ Huế chạy xe ra đến đây để kiếm một chú tràu bông rồi về. Không hiểu sao cá tràu bông lại quần cư ở những đầm lầy này? Cá tràu bông ở đây rất ngon, có lẽ do nguồn nước ngọt được lọc qua những trảng cát và thức ăn cho cá ở đây phần lớn là các loài côn trùng, sâu bọ, ếch nhái. Dân câu còn đến ven phá Tam Giang, nhiều nhất là ở các hồ tôm ở Phú Tân, Thuận An, Phú Thuận... (huyện Phú Vang). Các hồ tôm sau khi phơi xả nước vào thế nào cũng có cá đi theo, sau dần cá lớn ăn tranh thức ăn của tôm, thậm chí ăn thịt cả tôm nữa nên chủ hồ tôm rất ghét. Dân câu được thể thả câu tại các hồ này. Thường câu tại đây là câu cá dìa, cá hồng, cá ong hương... toàn các loài cá đặc sản nổi tiếng của phá Tam Giang. Ở Huế có hai người đi câu cá hồ rất nổi tiếng là đôi bạn câu cùng họ Thái của cố nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San (Báo Thanh Niên) và anh Thái Nguyên Hạnh (em trai TS Thái Kim Lan). Những năm sau này, vào cuối tuần, anh Thái Ngọc San thường đi câu suốt ngày, có hôm đem về cả đùm cá lớn, chia cho anh em bạn bè cùng ăn. Cũng nhiều khi anh San tự tay nấu cháo cá do anh câu để đãi, cá ngon và cháo ngọt cùng với cái tính tỉ mẩn chăm lo cho bạn bè và nụ cười hiền của anh, ăn bát cháo xong không dễ quên trong đời.
Cũng có nhiều anh lười lại thích đi câu ở các hồ câu thư giãn. Huế có hai hồ câu thư giãn nổi tiếng là hồ Thư Giãn ở xã Phú Mậu, cách đập ngăn mặn Thảo Long không xa; hồ thứ hai là hồ câu ở Ngư Tiều Phủ đoạn đường lên lăng Khải Định, cách cửa đồi Thiên An chừng hơn cây số. Khách vào câu ở các hồ này có quyền câu ăn tại chỗ hoặc bới mang về, tùy hứng. có người câu chừng nửa giờ đã được hơn chục cá, nhưng cá thường là cá trê lai, ăn rất tạp nhưng thịt dở. Đi câu cá ở các hồ này, thường các anh chị hay rủ nhau đi để mà còn "câu" nhau. Có vài anh bạn sáng hôm sau kể chuyện đi câu cá hồ như một công trạng: "Hôm qua vừa câu được con cá bốn chục cân" rồi cười. Người viết bài này đã vài lần đi câu ở các hồ này, song thấy không sướng bằng cái thú đi câu ngoài hương đồng cỏ nội. Nhiều khi cùng đi với bạn bè uống vài chai bia hay nhấp tí rượu tại đó, nhìn bạn bè câu mà nhớ đến những câu chuyện hiệp khách giang hồ ngày xưa, ôm cần ngẫm chuyện thời thế..., lòng tự nhiên cảm khái vô cùng...
Hồ Đăng Thanh Ngọc - Theo Thanh niên