Anh Hán, một Lão làng trong nghề câu và là linh hồn của nhóm lo sắp xếp lịch trình, thuê tầu ghe, đặt vế máy bay trước cả tháng vì mỗi tuần chỉ có 3 chuyến từ Sài Gòn ra Côn Đảo. Anh Đàm, lên Internet tìm kiếm thông tin mới nhất của thế giới về câu biển, anh đã phải rời lịch đi Canada thăm mẹ già để có ngày hội ngộ này. Tuấn Anh, người có đôi bàn tay vàng lo chăm chút chỉnh sửa các cần, máy cho anh em trong Nam cho phù hợp với ngư trường đầy tiềm năng này. Anh Phạm Đình Nam, Việt kiều sinh sống và làm việc tại Canada - Người bạn của cả nhóm có lẽ là người phải chuẩn bị lâu dài và vất vả nhất. Anh lo để giành ngày nghỉ phép từ năm trước, lo vị trí công việc của mình khi vắng mặt 2 tuần lễ liệu có còn không? và nhất là lo xin visa vào Vietnam trong những ngày tháng nhạy cảm này, (Vì có tin đồn thất thiệt bên đó là sẽ ngưng cấp visa vào Viet nam trong tháng ĐH Đảng), quà tặng cho mọi người vì anh đã hơn chục năm nay chưa về lại Vietnam. Còn tôi, Tôi háo hức và âm thầm chuẩn bị đồ chơi, quà tặng, sức khoẻ và thời gian biểu rất kỹ càng. Mọi việc rất thuận tiện, tất cả đã sẵn sàng. Sáng chủ nhật ngày 23 tháng 4, ngủ dậy tôi nhận được e-mail của anh Nam báo “10h30 ngày 30 tháng 4 sẽ có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, tất cả đã nằm trong vali ...” Tôi trả lời Nam là 11h ngày ấy tôi cũng có mặt tại TSN, và mail cho mọi người hẹn giờ hội ngộ. Nhưng...(Lại nhưng) hơn 10 phút sau đó, chiếc điện thoại cầm tay của tôi rung lên và những hồi chuông đổ dồn dập. Tôi nhìn thấy số máy lạ, không nhận ra giọng người quen trong máy: “Em Nam Canada đây anh Hùng ơi, em không thể về được vì khi xếp xong đồ vào vali em xem lại passport mới nhận của em thì thấy có vết cắt dài 2cm ở gáy trên trang 2,3....” Theo anh Nam, nguyên nhân chưa rõ, nhưng tấm hộ chiếu này khi quá cảnh sang Mỹ sẽ rất rắc rối, vì thế không thể mạo hiểm dùng nó được, có khi lại kẹt tại Mỹ cũng nên. Thế là anh lại vất vả lo nghỉ việc làm thủ tục lại từ đầu, nhưng thủ tục nhiêu khê và rắc rối đâu cho phép anh lên đường đúng ngày bay ghi trong vé...Thế là chuyến câu này chúng tôi vắng thiếu 1 người bạn câu, một người Sáng lập cho chuyến câu này. Nhận được hung tin trên ai cũng buồn và tiếc cho Nam, cho cả nhóm câu.
Buổi “họp trù bị” của nhóm do chị Lộ (Bạn đời của anh Hán) chuẩn bị vẫn đúng lịch, tối 30 tháng 4 nhóm câu chúng tôi quây quần bên bàn tiệc thịnh soạn có thêm cô khách mời quen thuộc Cẩm Vân vừa đi làm từ thiện về. Ai cũng nhắc tới anh Nam, vì anh là nhân vật chính trong chuyến câu này, thiếu anh cuộc vui của nhóm giảm 50%. (Anh Khánh đang đi chơi tại Nha Trang không về kịp, Bs Nhật bận trực đêm ở bệnh viện nên không có mặt)
T.Anh, Hùng R, Hùng Y tế, Hùng bia, chị Lộ, anh Hán, C.vân, anh Đàm
Khởi hành:
Nhóm câu của chúng tôi có 10 người, do không đăng ký kịp máy bay nên anh Đàm và Tuấn Anh phải đi bằng tàu cánh ngầm từ hôm 1/5, Hai cần câu khi tháo ra dài hơn 1,75m của nhóm chúng tôi được 2 anh mang giúp.
T.Anh, anh Đàm và anh Hán
Tám thành viên còn lại 4h sáng ngày 2/5 chúng tôi có mặt đầy đủ tại phi trường Tân Sơn Nhất. Các thành viên trong nhóm ai nấy nặng nề túi đồ câu, hành lý tư trang luôn nở nụ cười khoe nhau chiến tích mấy ngày câu vừa qua.
(Từ trái: Anh Nhật, Bác sĩ ngoại khoa lồng ngực, người đã 3 lần câu tại Côn Đảo là Bác sĩ của nhóm luôn mang túi cấp cứu bên người;
Anh Khánh kỹ sư Xây dựng đã câu tại Côn Đảo 1 lần, ngưòi câu được con Bớp hơn 12,0 kg;
Tôi Hùng R từ Hanoi vào chưa 1 lần câu ghe biển,
Tuân- cháu chị Lộ (Người thế chỗ anh Nam) chưa biết câu là gì,
Vợ chồng" anh Hán chị Lộ (Chị lộ cầm máy ảnh chụp), là Tổng công trình sư thiết kế và chuẩn bị hậu cần cho chuyến câu này, 4 lần câu Côn Đảo, đã câu con Thu 8kg;
Hùng Y tế 3 lần câu Côn Đảo và là sát thủ cá Bông lau (kỷ lục 25,0kg);
Hùng Bia 3 lần câu Côn Đảo, luôn thích rình cá Mú khủng 4kg)
Gửi xong hơn 80 kg hành lý chúng tôi nhẹ nhàng vui vẻ thảnh thơi vì không bị an ninh sân bay phàn nàn gì.
...Còn vài phút nữa là máy bay hạ cánh xuống sân bay Cỏ ống-Côn Đảo, tôi nhìn xuống dưới, các đảo nhấp nhô mờ mờ xa xa, mặt nước hiền hoà lăn tăn sóng, trông như sóng ở Hồ Tây những buổi gió Nồm. Nhìn chúng chẳng có gì là sóng biển Côn Đảo nơi xa khơi mịt mùng như tôi vẫn thường nghĩ và đọc trên sách báo. Tôi nói với mọi người: “Biển lặng quá, câu có tốt không các anh?” Mọi người đều nhoài người ra ô cửa và nói “Chuyến này trời phù hộ rồi nhưng nóng lắm đó vì không có gió mà”. Tôi trộm mừng vì không phải lo say sóng,vì tôi đâu có đi xa bao giờ đâu mà biết trước được.
Sau 45 phút bay, ngồi trên xe ôtô từ sân bay Cỏ ống vào thị trấn Côn Đảo với quãng đường 12km là con đường nhựa độc đạo phẳng lỳ không một bóng người, xuyên qua cánh rừng rậm rạp nguyên sơ xanh mướt. Hai bên đường tôi nhìn thấy mấy con Sóc xám nâu nhỏ nhảy chuyền trên những cành cây mà lúc đầu tôi cứ tưởng là chuột, mọi người nói tôi mới để ý đến cái duôi to xù của nó. Có lúc Gà Rừng chạy te tát 2 bên lề đường khi ôtô chạy tới. Có lẽ nơi đây là nơi duy nhất trên đất nước ta mà cạnh đường ôtô còn có thú hoang rã như vậy. Mà nghĩ cũng đúng thôi, vì con đường này, cứ 3 ngày mới chỉ có vài chuyến xe nhỏ chạy từ sân bay về thị trấn và ngược lại chứ có ai đi lại qua đây làm gì, nên thú hoang còn rất nhiều và dạn dĩ là phải, ước gì tài nguyên môi trường của ta đâu đâu cũng được bảo vệ như thế thì hay biết mấy.
Ra khơi
8 giờ sáng ngày 2/5, sau khi chúng tôi cùng hai anh chủ ghe là anh Khánh, anh Tèo dùng xong bữa điểm tâm tại khách sạn, chúng tôi háo hức nhanh chóng ra bến tầu để lên ghe sớm cho kịp buổi câu.
Chúng tôi chia làm 2 tốp lên hai ghe của hai anh em ruột cùng làm chủ tên là Khánh và Tèo. Các anh là dân câu ghe chuyên nghiệp, đi câu từ Nam chí Bắc, có nhiều lần sang cả Mã Lai, Nam Dương. Riêng" anh Khánh đã có 22 năm câu trên biển, câu không biết bao nhiêu loài cá, chịu không biết bao lần bão tố, nhìn nước da đen ròn của 2 anh tôi có cảm tưởng không thể đen hơn được nữa (Các anh chỉ câu thôi không biết chài lưới)
Ghe của anh Khánh lớn hơn nên được anh Hán bố trí 6 người: Vợ chồng" anh Hán, cháu Tuân, và tam Hùng (Hùng R, Hùng Bia và Hùng y tế)
Ghe anh Tèo nhỏ hơn có 4 người: Anh Đàm, Tuấn Anh, bác sĩ Nhật và anh Khánh.
Ghe anh Tèo
Lên ghe, anh Khánh ra lệnh cho tài công tên Mến nổ máy, rồi anh cầm lái cho ghe chạy phăm phăm ra xa tít tắp. Tôi đứng trên boong, gió ngược chiều mát rượi, tôi đang thẫn thờ ngắm nhìn bờ đảo xa dần để xác định tàu đi hướng nào, và nghĩ rằng sẽ được câu ngay trong chốc lát. Nhưng không, anh Khánh nói trong bộ đàm cho anh Tèo: “Chạy ra điểm A5”; Tiếng" anh Tèo trong bộ đàm: “A5 à, được rồi” lúc này tôi mới biết, điểm câu không phải gần bờ như tôi nghĩ mà là 1 nơi xa lắc được đánh dấu trên máy định vị mà chỉ có các chủ câu mới biết, chủ câu nào biết điểm câu đó, không phổ biến cho ai. Ghe chạy được một lúc. Nghe tiếng máy tàu có gì không ổn, anh Khánh nói với chị Lộ đang ngồi trong ca-bin: “Thím cầm lái, giữ cho vô lăng nguyên như thế cho con nhé”, thế là chị Lộ trở thành thuyền trưởng lái tàu bất đắc dĩ lúc nào không biết, hai tay chị lên gân nắm cứng lấy vô lăng, ngứa không dám gãi. Tôi đứng cạnh đấy vừa buồn cười vừa lo không dám chạy đi đâu để nếu có gì thì còn kêu giúp, đành lấy máy ảnh ra bấm 1 kiểu cho chị nhớ đời.
Xác định là còn lâu mới tới điểm câu, tôi vòng ra đuôi tầu, không ngờ anh Hán, Hùng Bia, Hùng Y tế đã mang hết Đồ chơi ra lắp ghép. Các thuyền viên của ghe đang lấy dây Inox 1ly buộc nối 2 lưỡi câu vào nhau chuẩn bị cho cuộc chơi sắp tới, thế mà tôi vẫn còn lãng mạn ngắm nhìn sóng nước biển khơi. Thật đúng là kẻ lần đầu đi câu ghe biển khù khờ hết chỗ nói.
Chuẩn bị
Chuẩn bị đồ chơi:
Tôi quan sát anh em thuyền viên buộc lưỡi, sán gần tới họ hỏi đủ điều, thấy lạ, mải nhìn mà quên cả chụp ảnh mấy cái lưỡi câu đó. Xin nói để bạn đọc hiểu rõ: Lưỡi câu dùng loại thép cỡ 1,3mm. Một thẻo câu dùng 2 lưỡi, nối tòn teng 2 lưỡi với nhau bằng 1 dây inox 1ly, đốc lưỡi này nối lên bụng lưỡi kia (Chỗ đáy chữ U) cách nhau 5cm, rồi nối thêm 1 đoạn dây inox dài 25cm nữa từ đốc lưỡi thứ 2 cho tới khoá link. Chính đoạn này để chống cá cắn đứt cước. (Sở dĩ bà con ngư dân ở đây không dùng cáp lụa vì như kinh nghiệm cho thấy, nếu cá to cắn câu và kéo dễ làm dây cáp đó xoăn tít, thay dây liên tục, nếu gặp đàn cá đông). Hai chiếc lưỡi này móc mồi là Mực ống sống, 1 lưỡi trên móc vào lưng gần đít, 1 lưỡi dưới móc vào gáy con Mực (Hoặc cá Đổng, cá Trích còn sống) Dùng dây trục cước 0.45mm, máy phải khoẻ, to để quấn được 250-300m cước, máy ngang hay dọc tuỳ thích. Dùng dây to hơn tuy khoẻ, không sợ đứt nhưng cá sợ, câu không hiệu quả. Các anh trên ghe nói thế và cũng chỉ dùng loại dây này. Từ mồi tới chỗ buộc chì neo là 3m, Buộc chì từ 80g-120g (Tuỳ vào chỗ nước chẩy mạnh hay yếu) vào cước bằng sợi dây thun, buộc như vậy nếu chì mắc đá, kéo dây lên, dây thun bị đứt ta còn nguyên cả thẻo câu và mồi. Cần câu chỉ cần dài 2,1-2,7m là vừa, cần phải đủ cứng và dẻo, cứng qúa dễ mất cá mà khi được cá kéo không phê.
Chuẩn bị xong đồ nghề, anh Hán bắt đầu xem đến mồi. Mồi đã được anh Khánh và các thuyền viên chuẩn bị từ đêm hôm trước. Khi mở nắp hầm nuôi mồi (Hầm này nằm ở đuôi ghe và có nhiều lỗ “bình thông nhau” với nước môi trường bên ngoài do vậy mồi nuôi ở đó coi khỏe như lực sĩ), tôi và anh Hán chỉ nhìn thấy gần chục con Mực ống và hơn chục con cá Trích và cá Đổng đang bơi tung tăng, anh Hán nói: “Mồi ít thế này thì câu gì” 1 cậu thuỷ thủ nói: “Đêm qua bắt đầu sáng trăng nên câu được ít mực lắm chú à, đánh mành cũng không ăn thua, có lẽ chiều phải câu cá Đổng làm mồi thôi” Nhìn sắc mặt anh Hán tôi buồn lây và lo lo là...
Vào trận và kẻ ngu ngơ:
Hai giờ tàu chạy, bờ đảo ở tận đâu đâu không rõ. Tiếng máy tàu kêu nhẹ dần xen lẫn tiếng tít tít liên hồi của máy tầm ngư chuyên dụng lắp trên ca-bin. Chiếc ghe của chúng tôi sau vài lần quay ngang, tiến lùi, anh Khánh quan sát máy định vị rồi hạ lệnh neo tàu. Chiếc ghe xoay vòng quanh dây neo rồi thả mình theo dòng nước chảy. Nhìn mặt nước, như tôi đây chẳng hiểu nước có chảy không và nước chảy hướng nào, xung quanh bốn bề sóng nhấp nhô như nhau cả, chỉ khi ra mũi tàu nhìn làn nước rẽ ở mũi tàu mới hiểu là nước đang chảy rất mạnh. Anh Khánh nói như phân trần: “Chú Hán ơi, Hôm nay mồi ít, ta câu Đất tại đây, ở đây có nhiều cá Mú to lắm” (Câu Đất là câu sát đáy). Mọi người bắt đầu tìm vị trí ngồi sẵn sàng vào trận, mồi đã được các thuỷ thủ viên vớt từ hầm lên móc cho từng người. Tôi được ưu tiên móc mồi trước, nhưng khốn khổ thay, chưa biết câu theo kiểu gì, thả câu mô tê ra sao hay quăng ném như ném lăng-xê... thì thấy anh Hán buộc 1 quả bóng bay rồi thả mồi là con cá sống xuống. Thấy vậy, tôi cũng xin và móc 1 quả bóng vào và thả theo Đại ca, thấy nói như thế là câu cá Thu. Câu cá Thu mà như vậy thì dễ quá, quả bóng của tôi và của đại ca Hán được gió và dòng chảy đưa xa tới cả trăm mét. Anh Hán bắt đầu lấy 1 cây cần nữa ra câu Đất với Hùng Bia, Hùng Y tế và cậu cháu Tuân. Thì ra đây là điểm câu Đất, nên phải câu sát đáy mới hiệu quả, việc anh Hán câu cá Thu kiểu bóng bay là do anh ấy có 2 cần, và là kiểu câu “Câu giờ” cầu may. Tôi ngu ngơ làm theo bây giờ chỉ ngồi chơi ngắm nhìn mọi người thôi, vì bây giờ mà kéo vào câu kiểu mọi người, nhỡ chết mồi thì sợ bị la vì mồi có ít thì bẽ mặt dân Thủ Đô quá. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, ghe bên tôi không thấy động tĩnh gì, thì bên ghe anh Tèo anh Bác sĩ Nhật bắt đầu kéo lên con Bè Trang đầu tiên, tôi nói đùa sang: “Đó là con cá chùa, không tính” (ý nói con đó do anh Hán câu đứt dây lần trước nay vướng phải). Nhìn từ bên ghe này, anh Hán đoán con đó nặng 3kg.
Bác sĩ Nhật với con cá Bè trang đầu tiên
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ và sứ sở “Cá lớn nuốt cá bé”:
Lúc này không khí trên 2 tàu như nóng lên, ai cũng phấn chấn mong muốn có cá đầu tiên.
“Đây rồi, con câu được cá đầu tiên nè”. Mọi người đổ dồn ánh mắt về phía cậu Tuân tay đang ghì cong chiếc cần câu, nhễ nhại mồ hôi cậu ta lôi lên con Bè đốm đầu tiên của ghe này, ước chừng 1,1kg.
Con Bè Đốm đầu tiên
Ai cũng khen cậu Tuân số hên, bao nhiêu cần thủ lão luyện đi Côn Đảo vài lần kể cả đại gia Hán vẫn chưa câu được con nào thì 10 phút sau cậu ta lại lôi lên thêm 1 con cá Nhồng cỡ 1.5kg nữa.
Chưa hết bất ngờ, thì chỉ 7 phút sau cậu ta lại kêu lên: “Lại con nữa rồi” Tôi nhìn cần của cậu ta đang cong vút, khi cậu ta đang còng lưng quay máy thì tôi thấy cần của Tuân bỗng chùng lại. Cũng lúc ấy Tuân kêu tiếc rẻ: “Mất rồi” rồi quay nhanh máy. Mọi người đang tiếc của thì Tuân đã kéo thẻo câu lên đến gần mặt nước, nước trong xanh hiện rõ 1 con Nhồng nữa nhỏ hơn con Nhồng lúc nãy nhưng con này đã bị 1 con cá lớn đớp mất phần nửa dưới, lát cắt phẳng lỳ, hèn gì lúc kéo cá cậu ta tưởng mất rồi.
Con Nhồng này khi được đưa lên, chắc bản thân nó rất ngỡ ngàng không biết được điều gì đã xẩy ra với nó với 2 sự kiện cùng 1 lúc: Ăn mồi mà lại bị kéo lên, rồi tự nhiên bị kẻ nào đó ngoặm mất phần sau, oan ức lắm nên mất phân nửa rồi mà mình mẩy vẫn uốn cong vặn vẹo trên dây câu, máu chảy ròng ròng xuống mặt boong, đỏ hoen cả trên lát cắt ngang thân. Ngay bản thân người câu được nó cũng mặt ngây ra nhìn con Nhồng giãy dụa trên dây cước mà không nói được câu gì.
Anh Khánh nói: “Chắc là con Cá Thu đớp đó. Vùng biển này 2 loài này kỵ nhau lắm. Nếu có con Thu con mà bị câu như vậy mà lúc đó có con Nhồng to ở đó thì con Thu kia cũng bị con Nhồng táp như vậy thôi” Anh ấy gặp nhiều rồi. Nhưng khi về Côn Đảo 1 ngư dân nói đó là Cá Mập táp, con Mập đó khoảng hơn chục ký, không biết thực hư ra sao, nhưng nhìn cảnh tượng đó cũng đủ để nói lên 1 điều là dưới Đại dương mênh mông là sứ sở của quy luật tự nhiên Cá lớn nuốt cá bé.
Chị Lộ liền trao giải thưởng nóng với giá trị 1 triệu đồng cho ai câu được con cá Thu hay Cá gì đó mà khi mổ bụng ra có phần thân con Nhồng tội nghiệp kia.
Tôi thu bóng bay về, và thay đổi cách câu, câu Đất như mọi người đang câu chứ chẳng màng cá Thu to làm chi, khi kéo mồi lên, con Mực ống làm mồi đã chết từ lúc nào không rõ. Con mồi của tôi lần này được các thuỷ thủ viên mắc cho 1 con cá Đổng, mắc 2 lưỡi vào mà nó vẫn vùng vằng trên không mãnh liệt lắm. Vừa thả xuống, chì chưa chạm đáy tôi thấy dây cước căng và rung lên, tôi vội vàng kéo cần, quay máy, nhưng nhẹ lắm, nhẹ hơn lúc trước khi thả. Lên đến nơi tôi mới biết, con mồi của tôi bị 1 con cá lớn táp mất 1 phần con mồi, mà sao nó lại tránh được 2 lưỡi câu của tôi cơ chứ.
Cậu Tuân lại làm mọi người bất ngờ khi kéo lên một con cá Hoắc. Chị Lộ nói: “Đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Qua 12 giờ trưa, mồi đã hết, bụng mọi người đã cồn cào thế mà Một mình Tuân đưa lên 4 con cá trong khi mọi người chẳng thấy động tĩnh gì.
Xin nói thêm đôi nét về nhân vật đặc biệt này. Tuân là cháu ruột của chị Lộ, cậu ta không phải là dân ham câu, không sở hữu 1 loại đồ câu nào chỉ thỉnh thoảng lái xe đưa ông bác rể tên Hán đi câu ở đâu đó khi ông muốn giành sức khoẻ cho buổi câu hay không muốn tự lái. Hắn có được cơ hội đi Côn Đảo lần này là do anh Nam không về được, vé đã mua rồi, đổi tên là xong. Một người thế chỗ đáng khen, và không phụ lòng hai bác của hắn. Không có hắn, chắc thành tích của Ghe tôi từ sáng tới lúc ăn trưa là con số không tròn xoe.
Không phụ lòng 2 bác
LMH 05/2006
(Còn nữa)