KỂ CHUYỆN CHUYẾN CÂU TẠI CÔN ĐẢO 5-2006 (Phần III)

Mỗi lần di chuyển như thế, anh Hán lại lấy đồ nghề câu rê ra dùng, anh nói với tôi khi mọi người đã lăn ra nằm tránh nắng trong những khoảng râm hiếm hoi trên ghe: “Ghe chạy nhanh thế này cơ may trúng cá là rất thấp, nhưng ngồi không cũng thế thôi, biết đâu con gì gì đó nó tức khí táp, thế là ta thành công, mà đã táp thì chắc chắn đó là 1 con cá to”. Ông nói có lý, và cũng đầy hy vọng. Tôi cầu chúc cho ông thành công, vì đã 2 lần trong chuyến câu này ông đã thất bại nhưng vẫn không làm ông nản.

Thuyền trưởng Khánh và Đại ca

Tôi không biết khi câu rê, tàu phải chạy với vận tốc nào là vừa? Cá nào ăn mồi khi câu rê? Nhưng tàu anh Khánh có tốc độ hơn 10 km/h thì chắc câu rê, tàu phải chạy chậm hơn. Chưa lúc nào trong tôi có 2 dòng suy nghĩ đầy mâu thuẫn như lúc này. Một là, muốn tàu chạy chậm hơn để cho việc câu rê của anh Hán có kết quả, vì nếu thành công thì chắc con cá đó phải là loại “Bạo chúa Khủng Long”, lúc đó ai có mặt tại đây sẽ là diễm phúc lớn vì được chiêm ngưỡng hình hài nó. Hai là, muốn tàu chạy nhanh hơn để sớm được câu cá Thu, nếu may mắn câu được thì đó là niềm mong ước của tôi.

Đến bãi cá Thu, anh Hùng Bia kéo con mồi giả câu rê của anh Hán vào, cầm con mồi đưa cho anh Hán xem: ”Ông xem con gì nó táp này? Tôi tò mò sát lại nhìn vào, anh Hán lật 2 bên con mồi chỉ vào vết răng sâu, dài đến 2cm nằm 2 bên dối xứng trên thân con mồi, làm trầy xước lớp sơn đẹp óng: “Có cá táp đấy, nhưng chắc tàu chạy nhanh quá, nó bơi không kịp, mồm lại to nên không dính lưỡi”. Tôi tiếc cơ hội này quá. Nhưng ông bình thản như không, lặng lẽ xối nước ngọt rửa rồi phơi con mồi trên hộp đồ câu như không có chuyện gì xảy ra. Tính cách của dân câu có Đẳng cấp là thế đấy. Thắng thua là lẽ thường tình. (Rất tiếc tôi lại không chụp con mồi này để cho độc giả chiêm ngưỡng và nghiên cứu)

Trên bãi câu đã có 1 ghe của người họ hàng" anh Khánh câu từ bao giờ. Đồ nghề của họ, ví như gậy Tầm Vông trong thời đánh Pháp của ta vậy, đơn giản, thô sơ và mộc mạc như chính tâm hồn của họ.

Chúng tôi vừa tới, chưa kịp neo tàu đã thấy 1 ngư dân đang co kéo 1 con Thu to và dài, Hùng Y tế nhìn đoán nó nặng 8-9kg. Tôi chắc mẩm phen này mình sẽ được toại nguyện.

Nước chảy mạnh, Anh Khánh khuyến cáo dùng chì 100-120gram. Với kỹ thuật câu cá Thu nơi dòng chảy này, chủ yếu phải thả dây từ từ, không nhanh quá sẽ làm cục chì xuống mạnh, kéo cá mồi dễ gây sốc, chết sớm, bằng cách lấy tay tỳ nhẹ vào Mobin để hãm cho dây ra chậm. Khi con mồi đã ra xa khoảng 45-50m thì dừng. Các đường câu của chúng tôi đều xuôi theo dòng chảy phía cuối ghe, nên việc thả mồi phải quan sát, tránh làm các đường câu cắt nhau. Ai cũng hết sức chú ý việc này, nhưng nhiều khi con mồi khoẻ, chạy tạt ngang làm chúng tôi phải đổi vị trí ngồi cho nhau. Khi đã yên vị rồi thì ngồi chờ cá cắn là VÚT. Nghe thì rất đơn giản. Theo anh Khánh, mùa này câu cá Thu là cuối vụ rồi, chỉ còn những con lạc đàn chưa chịu ra khơi xa, chúng đang luẩn quất kiếm ăn lẻ tẻ nên không có đàn, câu cực kỳ khó. Nhưng đôi khi cũng gặp nhóm nhỏ, câu cũng đã lắm.

Ba mươi phút trôi qua, mỗi người tren ghe tôi đã 2 lần thay mồi (Lâu lâu phải thu dây về kiểm tra, mồi chết phải thay) mà không thấy ai có con mồi nào bị táp, các con mồi chết vẫn còn nguyên hình hài. Ghe anh Tèo bắt đầu di chuyển sang điểm câu khác, đi phương nào mà ghe tôi không nhìn thấy được. Từ lúc đó đến ngày hôm sau lên bờ chúng tôi mới gặp lại nhau.

Các anh Hùng Y tế, Hùng Bia và Tuân bắt đầu chuyển sang câu Đất bằng mồi cá chết, Anh Hán cũng lấy lại 1 cần để câu cá Bò Da.

Riêng tôi vẫn hy vọng mình sẽ may mắn hơn mọi người, nên vẫn trung thành với tên gọi của điểm câu. Hơn nữa, nhìn con Bò Da tôi mất cảm tình: Da nhám dày, miệng nhỏ lại vều ra, hai mắt lơ láo trông rất gian. Ấy thế mà mọi người nói, khi ăn phải lột da, thịt trắng và thơm ngọt lắm. Các anh ấy câu được rất nhiều con Bò Da này và cả cá Trần Bì nữa.

Thế chỗ ghe anh Tèo sau 15 phút là 1 ghe khác. Họ vừa đến 5 phút đã thấy 1 cần thủ kéo lên 1 con Thu dài thõng thượt. Kẹp giữa là ghe chúng tôi, hai ghe của ngư dân hai bên đều đã câu được cá Thu. Hỏi vọng sang hỏi các anh ấy câu mồi gì thì được biết họ câu bằng mồi Mực. Mồi Mực bao giờ cũng nhạy hơn mồi cá. Biết chẳng thể nào sánh được với mồi của họ, vì mồi câu là rất quan trọng. Chúng tôi quyết định ra đi đến điểm câu mới, từ giã ý định chinh phục cá Thu Côn Đảo lần này.

Trưa hôm sau, qua máy điện thoại cầm tay (Trên biển, 2 mạng Vinaphon và Mobilefone vẫn phủ sóng) chúng tôi được biết trên ghe anh Tèo, anh Đàm lập thành tích suất sắc khi câu được con Thu đầu tiên trên ghe và trong đời nặng 5,0kg, sau đó anh Nhật cũng kéo lên con Thu 4,5kg. Cả ghe chúng tôi chúc mừng hai anh.


Những con cá diêm dúa:

Dưới các rạng san hô ở đâu cũng vậy, là nơi quần tụ của nhiều loài cá. Trong các buổi câu chúng tôi không chỉ đưa lên những con cá quen thuộc với thị trường như câu chuyện tôi đã kể vừa qua mà còn câu được những con cá có hình hài, màu sắc rất phong phú. Có con có làn môi đỏ như son, đầu các vây đuôi cũng có “Móng đỏ”, dân câu Bình Thuận gọi là cá Ca-ve.

Có những con nếu nuôi trong bể cá cảnh thì chắc chắn được phong là Hoa hậu.

Hai anh Nhật và Khánh Dube

Có con như trái Chôm Chôm khổng lồ.

Cá Nóc

Có con có bộ da như con Nhím.

Có con khoác trên mình bộ xiêm “Sa-tanh xanh” óng ả nhưng có bộ răng “Cải mả” đểu cáng.

Hùng Bia, chủ nhân của con cá Mó 2,8kg

Và có con khoác bộ áo như da Báo rừng.

Tuấn Anh: “Báo biển đây!”

“Trời ơi! Tôi phục Tôi quá!”:
Buổi sáng ngày câu cuối cùng, Mồi câu lại khan hiếm hơn hôm trước. Chúng tôi quyết định câu tại một điểm mới sát đảo Hòn Trứng, Hòn đảo tròn trắng xoá, Trông xa như quả trứng khổng lồ, nó như cột mốc để định vị cho tàu thuyền trên vùng đảo này. Trên đảo không có cây cối mọc bên trên, chỉ có những con Hải Âu xám làm chủ vỗ cánh bay đi bay về.

Hùng Y tế hôm nay nổi bật như người lĩnh xướng trong bản hợp ca. Liền một lèo trong vài phút anh mang lên 1 con cá Hoắc quen thuộc và 1 con cá Kẽm khi mọi người chưa có hiện tượng nhấm nháy gì.


Cá Kẽm

Rất nhẹ, cần câu của tôi gợn khẽ như một chút nghi ngờ thoảng qua. Tôi không tin đó là cá cắn câu, vì đã quen tính phàm ăn của cá Côn Đảo. Nhưng tôi cũng giật Bừa lên để biết nguyên nhân của cái sự rung rinh đó. Khi kéo cần lên, cảm giác đã rõ ngay. Nhẹ, nhưng vật thể bên dưới chạy ngang, rồi vòng tròn quanh đầu cần. Khi đưa lên, chi tiết đầu tiên nhận thấy là nó có 2 cái RÂU to, dài đến chục phân. Đang ngẩn người nhìn thân hình màu hồng bạc của nó thì anh Khánh chủ ghe ngạc nhiên thốt lên: “Ôi! Con Phèn Râu” Rồi anh nói tiếp: “Con Phèn Râu này to quá, con này phải hơn 1 ký, bình thường con to nhất chỉ có 5 đến 6 lạng là cùng, sao con này to thế. 22 năm làm nghề cá chưa bao giờ nhìn thấy chứ đừng nói câu được. Đặc biệt đó chú Hùng ơi” Rồi anh đích thân mang cái cân đến móc hàm nó xem nặng bao nhiêu: “Tròn 1 ký, Hay quá, Hay quá” Câu Hay quá là câu nói quen thuộc của anh khi có sự kiện nổi bật nào đấy. Nếu theo như lời anh Khánh, thì có lẽ tên tôi phải được ghi vào sách Kỷ lục Ghi-nét VN đấy chứ. Thế mà cả ghe nghe xong lời anh Khánh nói, vẫn cho là chuyện bình thường nên không" ai tỏ thái độ gì đặc biệt cả, các anh vẫn chăm chú vào công tác “chuyên môn”. Riêng tôi, tôi sung sướng gào lên: Trời ơi! Tôi phục Tôi quá”. Cả ghe nghe xong phì cười, anh Hán nhìn tôi cười và lắc lắc cái đầu.

Khi ngồi câu lại, tôi ngẫm nghĩ: Chắc con cá Phèn Râu này đã có cả Trăm năm tuổi, nếu mà nó ở trong bể cá cảnh nhà ai, với cái tuổi như vậy thì có lẽ nó biết nói rồi cũng nên.

Sinh hoạt trên ghe: Tiện nghi tối thiểu, đầy ắp tình người.
Một chiếc ghe câu bình thường chỉ có sáu người kể cả Thuyền Trưởng. Mỗi người ngoài nhiệm vụ chung là câu cá, từng người còn có nhiệm vụ riêng: Chạy máy, nấu ăn, chăm sóc ngư cụ...Thế mà mấy hôm nay, nạn nhân mãn trên ghe đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt của các thuỷ thủ vốn hiền lành, chăm chỉ.

Lúc mới lên ghe, tôi quan sát trong ca-bin Thuyền Trưởng, các thiết bị cần thiết cho người đi biển được anh Khánh trang bị đầy đủ: Máy bộ đàm, máy tầm ngư màn hình lớn và máy định vị GPS. Trong phòng thuỷ thủ (Gọi là phòng cho sang) nằm trên buồng máy, lúc máy chạy tấm ván gỗ lát sàn nóng hầm hập chỉ đủ chỗ cho 4 người nằm co, vì nó dài khoảng 1,8m nhưng chỉ rộng 1,4, do đó phải nằm ngang mới đủ chỗ. Phía trên sát với ca-bin là bộ nghe nhìn nhỏ nhắn: TV 14”, máy CD. Tôi không biết tối đến, hơn chục người này sẽ nằm ở đâu cho hết, mà trời mưa thì sao nhỉ? Góc dưới bên phải sát mép thành tàu, là chiếc bếp ga xinh sắn. Làm nghề Kiến trúc như tôi cũng không thể hình dung nổi mọi ngóc nghách của con tàu đều được sử dụng như những cái ngăn tủ đa năng, gọn gàng ngăn nắp.

Trên cái bếp ga nhỏ bé đó đã được các anh nấu cho chúng tôi các bữa cơm ngon dẻo. Thức ăn, được chế biến chủ yếu là Mực mồi chết, cá câu được trong ngày cùng với 1 số thực phẩm, rau xanh và gia vị mà chị Lộ đã lo mang đi từ Sài Gòn.

Mỗi lần bữa cơm được dọn ra, nhìn những đôi đũa, cái bát, cái đĩa chẳng có cái nào giống cái nào, tôi chắc chúng là những cái bền nhất còn lại trong sự chọn lọc tự nhiên của bao lần mua sắm. Thế mà các anh vẫn cố chọn những cái bát đẹp nhất, lành lặn nhất và những đôi đũa khả dĩ nhất giành cho chúng tôi.

Trọng tải của ghe tôi không rõ là bao nhiêu? Nhưng mỗi lần đi xa, phía trước ghe là hầm nước đá được các anh chứa đầy để cấp đông cho cá câu xem chừng khoảng 5m3. Số nước đá này cũng là phương tiện giải nhiệt khi các anh uống cafe, trà đá sau những giờ lao động mệt nhọc dưới cái nắng chói chang trên biển cả. Nước ngọt chứa trong các can 20-50lit (Tối đa được 1000lít) lượng nước này chỉ được dùng trong ăn uống. Khi tắm, mọi ngưòi lấy thùng múc nước từ dưới biển lên để tắm, tắm xong cứ thế mà mặc đồ vào, không cần tráng nước ngọt, quần áo họ không giặt như những người trên bờ mà là thu gom rồi buộc túm lại với nhau thả xuống dưới nước phía mũi tàu, khi tàu chạy sóng nước vỗ vào quần áo, cả mớ quần áo đó quay tít trên mặt nước. Chẳng có cái máy giặt nào trên thế giới gặt sạch bằng.


Máy giặt công suất cao

Với chúng tôi, bằng tình cảm chân thật anh Khánh ra sức vận động chúng tôi cứ dùng nước ngọt mà tắm, nhưng chúng tôi nói không với nước ngọt, vì khi đã đến đây thì chúng tôi quyết đồng cam cộng khổ với anh em. Xuất ưu tiên đó chúng tôi chỉ giành cho chị Lộ.

Mọi sinh hoạt chung khi tối đến đều diến ra sàn tàu phía sau nơi có hầm mồi: ăn cơm, uống cafe, xem TV và câu Mực đêm làm mồi.

Đêm đến, Các anh mời chúng tôi lên ca-bin và phòng thuỷ thủ ngủ, nhưng chúng tôi xin phép được ngủ ngoài trời, trên nắp hầm mồi, và chính nơi ban ngày chỗ tôi ngồi câu. Để chỗ cho các anh ngủ ngon, sáng sớm còn đánh lưới mành bắt Mực.

Mùng một lưỡi trai
Mùng hai lá lúa
Mùng ba câu liêm
Mùng bốn lưỡi liềm
Mùng năm liềm giật
Mùng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo...

Chúng tôi ở đúng ngày liềm giậtthật trăng. Trong thành phố, làm gì nhìn thấy trăng, nhưng ngoài biển trăng sáng lắm, sáng cả bầu trời đêm, các đèn pha câu Mực không làm chúng hấp dẫn nên mồi hiếm là phải.

Anh Đàm, mới 3 giờ sáng đã dậy câu cá Trần Bì, anh nói: “Đêm câu sướng lắm, mát mẻ, Cứ thả là giật” Một mình anh câu đủ cho cả 4 người trên ghe đó vặt đầu, phi-lê giã chả đem về.


Anh Đàm: Mực to không? Hiếm lắm đấy!

Sinh hoạt chung ở phía sau tàu, tất nhiên sinh hoạt riêng tư tế nhị sẽ được thực thi ở phía trước tàu. Nơi không có ánh đèn pha rọi vào. Buổi chiều hôm đầu tiên trên biển, tôi ghé tai Hùng Bia hỏi cái điều riêng tư tế nhị đó:
- Đi biển như thế này, sinh hoạt bị đảo lộn, cái đó cũng thay đổi theo nên ít xảy ra lắm, em đi nhiều lần rồi em biết, 3 ngày không đi lần nào, đấy rồi anh xem. – Hùng Bia trả lời.
- Nhưng nhỡ ra thì sao? Ăn uống toàn đồ biển nữa? - Tôi lo lắng hỏi lại.
- Thì ra phía trước, tay bám vào be tàu cứ thế mà đi xuống nước!
- Bám như thế nào? Ngã thì sao?

Rồi tôi bắt anh ra làm mẫu. Có lẽ sợ quá nên tôi không dám có nó trong 3 ngày đi biển.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi, Một Nhiếp Ảnh Gia trong đoàn đã chộp được cái điều mà tôi khiếp sợ nhất mà một thành viên khác đang thực hiện. Chủ thể trong tấm hình này đồng ý cho tôi đưa lên đây để những" ai yếu bụng và yếu bóng vía thì hãy xem lại ý định đi câu tại Côn Đảo. Và cũng từ tấm hình này, chúng tôi gọi anh là Kh. Dube. Cái tên nghe rất Âu châu.

Chính vì sự thiếu vắng 1 hạng mục quan trọng này mà có không ít thuỷ thủ đã bỏ mạng trên biển khi ban đêm ghe chạy, một mình ra Đu be, buồn ngủ hay vì đang bị Tào tháo đuổi, kiệt sức rớt xuống mà không" ai biết để cứu.

(Còn nữa)
LMH 05/2006

Các tin khác cùng chuyên mục
KỂ CHUYỆN CHUYẾN CÂU TẠI CÔN ĐẢO 5-2006 (Phần II) - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:51:07 SA
Ban Quản trị HNFC cảm ơn tấm lòng hảo tâm của các thành viên - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:47:32 SA
KỂ CHUYỆN CHUYẾN CÂU TẠI CÔN ĐẢO THÁNG 5-2006 (Phần I) - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:46:46 SA
Đảo Cát B 29-04-2006 "Thấm đượm tình Anh em" - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:40:27 SA
Vài hình ảnh câu tại Conlon - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:35:17 SA
Câu Cá Quả (Phần III) Ở phía tả ngạn sông Hồng - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:32:50 SA
An toàn khi câu ghềnh - Cập nhật lần cuối 26/04/2009 12:29:43 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.