Bữa cơm trưa cuối cùng của chúng tôi được các thủy thủ trên ghe mời ăn sớm hơn thường lệ, khi tàu vừa đi một chặng đường dài về phía gần Đảo. Vì anh Khánh chủ ghe muốn chúng tôi dành nhiều thời gian liên tục cho buổi câu cuối cùng trên vùng Tàu đắm này (Cách Đảo chừng 18km). Theo như lời anh Khánh, Điểm câu này tuy ít cá nhưng đã câu được con nào thì con đấy “Đáng đồng tiền bát gạo” cứ gọi là kéo đã tay, đầy cảm giác. Vì khát khao có được những con Mú khổng, mọi người xin được lấy mồi để thả câu, câu trước khi ăn một lúc.
Mú khổng chưa câu được con nào, mọi người chỉ câu được Hoắc, Lão và Trần Bì, các loại cá mà chúng tôi không mong muốn. Chị Lộ câu bằng cần tre của anh thủy thủ Lễ với guồng bát (Đài) cũng được con Trần Bì vàng rộm. Nhìn chị quấn cước bằng bát gỗ thận trọng, khoan thai như các bà ngồi cuộn len đan áo cho chồng mỗi khi mùa Đông về.
Cơm nước xong, Hùng Y tế nhấc cây cần Tica 3m cứng ngắc của hắn lên thăm dò. Thấy như có cục đá buộc dưới đáy, hắn nói như than vãn: “Thôi chết! Mắc đá rồi!” rồi hắn giật giật cây cần mấy cái mong bộ lưỡi của hắn đang ở dưới đáy biển sâu sẽ thoát thân để lên ghe với hắn. Nhưng hắn lại mừng rỡ reo lên với Hùng Bia đứng bên cạnh: “Không phải! Cá! Con này to lắm, em giật mạnh nó di chuyển anh ạ! Trước nó ở đây, giờ nó ra kia rồi”. Anh Khánh: “Mú khổng đó, cố giữ đừng để nó rúc vào hang”. Hùng Y tế hai tay ôm khựng cây cần trong tư thế hai chân choãi ra như đứng tấn, mặt đầy nghiêm trọng. Bất ngờ cái máy ngang Daiwa của hắn kêu tạch tạch liên tục một hồi mới chịu im, kéo sợi dây cước của hắn ra xa chừng 12m so với vị trí cũ. Cả ghe dồn hết ra mép be tàu nhìn theo phán đoán cân nặng của con Mú này. Sự giằng co giữa cá và người tưởng như khó kết thúc sớm. Bỗng sợi dây của Hùng trùng xuống. Con cá lớn chịu đầu hàng? Hùng từ từ cuộn máy...Bất ngờ lớn với mọi con mắt đang rõi theo, từ phía cuối dây nổi lên một mảng lùm lùm màu lục xẫm, cách không xa cái lùm lùm đấy là một khối đen như đầu con Mãng Xà. Tôi đang chưa hiểu cái gì xảy ra thì các anh thủy thủ nhảy cẫng lên vui sướng reo lên: “Vích, Vích”, “Con ni mà bắt được thịt ăn ngon lắm, lấy khấu mau”. Liền tức khắc, Anh Hồ Văn Hán quay về phía tiếng nói, quắc mắt nhìn 3 anh thủy thủ: “Tao cấm chúng mày không được giết con Vích đó, Bây giờ làm sao bắt nó lên, gỡ lưỡi câu cho nó rồi thả xuống”.
Lời anh Hán được mọi nguời trong nhóm câu chúng tôi và anh Khánh ủng hộ. Trước lời nói như lửa của viên chỉ huy già, ba anh thủy thủ hò nhau thả chiếc thuyền thúng bơi ra phía cuối dây câu, lúc này đã bị con Vích kéo ra xa con tàu gần trăm mét sau cú nổi lên chào và như thông báo với mọi người rằng: “Ta đây! Không phải Mú của các người đâu”. Anh Hùng cũng không còn Cương với nó nữa mà thả máy cho cước đi theo yêu cầu của con Vích đã vô tình chạm lưỡi câu của anh. Khi ba anh bơi tới nơi, các anh với tay giữ lấy dây cước kéo, con Vích tưởng Con Người cố tình bắt nó nên nó càng lặn sâu và bơi ra xa. Gần 300m cước trong máy câu của Hùng Y tế đã gần hết. Nguy cơ không theo được con Vích để gỡ lưỡi là rất cao nếu dây câu xả hết. Trong lúc bối rối này Viên chỉ huy già đã Tối kiến thực thi một việc khẩn cấp là nối dây câu trên cần của mình với máy câu của Hùng Y tế để thả cây cần của Hùng xuống biển. Anh Khánh thấy thế nói: “Không cần, Chú Hán để con nhổ neo cho Ghe chạy theo, Hùng cuộn dây vào” Với sáng Kiến này, chiếc cần và máy câu của Hùng Y tế thoát khỏi bị ngâm nước mặn hàng giờ liền.
Lúc này trời lại có cơn giông đen kịt kéo tới, biển động hẳn lên, tôi rất lo cho tính mạng của ba thủy thủ đang lênh đênh trên chiếc thuyền thúng nhỏ bé chênh vênh kia. Lúc này trên ghe, ngoài cháu Tuân vẫn đang miệt mài ngồi câu như không có việc gì xảy ra, tất cả chúng tôi cùng rõi theo cuộc giải cứu này với tâm trạng lo lắng cho cả người và Vích.
Anh Hán luôn bên Hùng Y tế chỉ huy và nhắc anh em trên thuyền thúng cố xác định lưỡi câu móc vào chỗ nào của con Vích.
Đã hàng chục lần, Cứ mỗi lần gần kéo được con Vích lên gần mặt nước thì con Vích lại lặn xuống, làm anh em không thể nhìn thấy điểm móc của lưỡi câu. Một lần, con Vích nhô lên mặt nước để thở cách con thuyền thúng khoảng 3m, các anh nhìn rõ chiếc lưỡi câu gắn vào vai trên mai con Vích, các anh thông báo vào ghe. Viên chỉ huy già thở phào rồi ra lệch cắt cước: “Thế là nó không thể chết được, yên tâm rồi”.
Anh Hán và anh Đàm khi lên bờ nói vùng biển này ngoài Vích, Rùa Biển còn có 1 sinh vật quý hiếm nữa đó là con Bò Biển (Du-gông)
(Hình lấy từ tạp chí Du lich Vietnam Số tháng 5/06)
Như để chào mừng kết cục tốt đẹp cho con Vích, cậu Tuân kéo lên con cá cuối cùng của cuộc chơi: Con Bè Đốm 3,8kg.
Như vậy Tuân là người đầu tiên có cá và cũng là người khóa sổ số cá câu được trong chuyến câu của chúng tôi với tổng cộng cả hai ghe hơn 150kg cá các loại.
Anh Hán ra lệch nhổ neo vào bờ để còn kịp giờ gửi cá đông lạnh.
Cập bờ
Bữa tiệc vui và chuyện cá Mú khổng có một không hai:
Ngay tối hôm lên bờ, Đoàn chúng tôi tổ chức bữa tiệc mừng thắng lợi tại Khách sạn mà chúng tôi đang tá túc. Khách mời chẳng" ai khác là tất cả các thủy thủ cùng hai thuyền trưởng thân yêu. Chai rượu Chivat to đùng của anh Đàm mang đi đã lần lượt được rót vào 1 chiếc ly duy nhất rồi chuyền qua tay từng người, mỗi người phải uống cạn 1 ly, mở đầu cho cuộc liên hoan mà các thủy thủ ít có cơ hội lên bờ tham dự. Bia lon, rượu mạnh, ai thích gì dùng nấy.
Anh Đàm cùng Thuyền trưởng Tèo
Hàng sau: Chị Lộ, tài công Mến
Hàng trước: Thuyền trưởng Khánh, anh Hán, thủy thủ Lễ, Hùng Y tế
Anh Khánh trong lúc nói chuyện về các loài cá Mú bùi ngùi nhớ lại cậu em “Cọc chèo” tên Giang đã mất trong một cuộc lặn săn bắt cá Mú ngay tại Côn Đảo này cách đây bốn năm.
Anh Giang là người vui tính, hiếu động, luôn làm các việc khác người, ai khuyên cũng không nghe. Cách đây 6 năm, trong chuyến đi tìm sắt cũ tại các nơi có tàu bè bị đắm trên vùng biển Bình Thuận. Một anh bạn của anh Giang khi lặn xuống thám hiểm con tàu bị đắm từ thời Pháp, lúc lặn qua ô của hình tròn của con tàu, anh ấy như bị 1 lực gì hút rất mạnh vào thành tàu. Hoảng sợ, khi lên ghe kể lại cho anh Giang nghe và khuyên không nên khai thác sắt của con tàu đắm này nữa vì anh ấy sợ ma. Không tin chuyện ma quỷ, sẵn tính phưu lưu anh quyết lặn xuống kiểm tra thực hư ra sao. Khi lặn xuống đến nơi, đúng như anh bạn kể, anh cũng bị 1 con quái vật nào đó nằm trong tàu hút mạnh. Anh chiếu đèn vào thì phát hiện trong đó là 1 con cá Mú to khổng lồ đang há mồm ra hút những gì đi ngang qua đó, nó hút mạnh như một cái máy bơm công suất lớn. Nó nằm trong khoang tàu này từ khi còn chui lọt qua ô cửa tròn kia, đến nay ăn không biết bao sinh vật đi qua, lớn to đến nỗi không thể lọt qua cái cửa đó nữa. Căn buồng này là nơi ẩn náu săn mồi lý tưởng và cũng chở thành ngục giam hãm vĩnh viễn nếu như hôm ấy các tay tìm sắt phế thải không tới. Về nhà, anh Giang lấy thuốc nổ rồi gắn vào thành tàu “phá ngục”. Con Mú hàng trăm ký này đã được đưa vào bờ, riêng cái đầu cá, anh Giang chia cho cả xóm ăn mới hết.
Côn Đảo, kể làm sao hết được:
Côn Đảo là một huyện Đảo gồm 16 hòn đảo, duy nhất chỉ có đảo ConLon này là lớn nhất và có nước ngọt nên mới có người và động vật sinh sống.
- Nắng: Mới hơn 7h sáng mà Côn Đảo đã vàng rực nắng. Nắng loang trên những triền núi cạch thị trấn, trên đường phố, cả trên những lớp sóng biển đang vỗ vào bờ cát nằm ngay trong lòng Côn Đảo.
Nằm tách khỏi đất liền, thị trấn biển Côn Đảo như tách ra khỏi sự xô đẩy của tốc độ, tận hưởng cái tĩnh lặng hiếm hoi như từ bao lâu nay vẫn thế. Dạo bước trên con phố nhỏ, tôi nghe tiếng hát vọng từ radio nhà ai khoắc khoải: “Trưa nay phố xa đầy nắng, riêng" anh với con đường vắng, biển ngoài kia sóng hát thầm, hát thầm rằng" anh thương nhớ em...” Cái nắng trên Đảo, như hiền lành hơn cái nắng trên biển, nó có ít hơn cái vị mặn mòi của muối, nó bớt đi cái bức xạ của mặt biển khơi. Với tôi, cái nắng vẫn là ấn tượng đầu tiên. Nắng rát da rát thịt, nắng hầm hập nồng hơi nước. Nắng thừa thãi ban phát cho muôn loài sinh sống nơi đây.
- Cư dân: Qua tìm hiểu tôi được biết dân số trên đảo vẻn vẹn có gần 5000 nhân khẩu thường trú, trong đó có gần 2000 là dân nhập cư làm việc trong các cơ quan công quyền, trường học, bảo tàng, du lịch và các trạm nghiên cứu... Số người này, một số đã lâp gia đình, sinh con đẻ cái và có ý định sinh sống lâu dài trên đảo. Còn số đông, Đảo chỉ là nơi họ tác nghiệp và hàng tháng, nhân dịp ngày chủ nhật, lễ tết họ vẫn tranh thủ quay về đất liền với gia đình. Cho nên, những ngày chủ nhật, ngày lễ và đặc biệt mấy ngày Tết Nguyên Đán thì dân số trên đảo giảm đáng kể. Các gia đình chỉ chung vui tại gia, ít có chuyện ra đường đi thăm viếng nhau như các vùng dân cư khác trong đất liền. Do vậy ngày Tết, phố xá Côn Đảo vốn dĩ ngày thường đã vắng vẻ lại càng cô quạnh, đìu hưu hơn. Ở nơi đây không có khái niệm VUI NhƯ TẾT. Đó cũng là một nét đặc trưng trong sinh hoạt của người dân nơi đây mà tôi tìm hiểu được. Mọi giao lưu mua bán, sắm sửa hàng ngày hình như chỉ diễn ra trong ngôi chợ nhỏ khiêm nhường nằm cuối thị trấn. Ngôi chợ nhỏ bé này có đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm như bao chợ làng quê khác. Hầu hết chúng được đem về từ đất liền qua các chuyến tàu, chuyến bay của các thương nhân. Tôi lang thang trong chợ mà không tìm được vật dụng, trái cây, sản vật gì của riêng đảo để về làm quà. Nghe nói có món mứt hạt Bàng ngon bùi và lạ lắm giá 120 ngàn một ký. Nhưng hôm đó tìm mãi mà không bói đâu ra, chắc chưa đến mùa. Cây Bàng nơi sứ đảo này nhiều và to. Đi đâu cũng gặp Bàng, nó như cây Phượng Vĩ trên đất cảng Hải Phòng vậy. Người dân nơi đây hiếu khách, tận tụy, không ưa ồn ào và rất thật thà.
- Đường phố và tổ hợp Nhà Lao: Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên các đường phố trên đảo bạn sẽ thấy hai điều là SẠCH, VẮNG.
(Nhà lao nằm ngay trên đường phố chính)
Các con đường trên sứ sở đầy nắng này không có bụi, mặt đường sạch như lau đến không ngờ, không tìm đâu ra 1 cọng rác (Có lẽ chúng ta quen với bụi và rác trên các đường phố Hà nội, Sài Gòn nên cảm thấy ngạc nhiên?), bạn có thể đi vài giờ trên đường mà không phải nhăn mặt vì bụi khi có xe hơi chạy qua. Đường sạch sẽ như có ai đó hàng ngày lau rửa cẩn thận chu đáo.
Mọi con đường trên đảo nhỏ này đều vắng người và xe cộ. Dù bạn đang đi trên con đường đôi rất thơ mộng ven bờ biển hay trong trung tâm thị trấn nơi có các Công sở, trường học. Nói không ngoa, Tôi cam đoan với các bạn rằng: Nếu trong giờ “cao điểm” bạn có thể nhắm mắt lại rồi đi từ hè đường bên phải sang trái rồi ngược lại theo luật hình Sin trong 15 phút thì bạn không sợ bị một phương tiện giao thông nào đụng phải. Không khí khoáng đãng trong lành độc đáo hiếm thấy ở nơi nào trên đất Việt mà tôi đã đi qua.
Thuê 1 chiếc xe Honda với giá 20.000đ/h, đổ thêm hơn chục ngàn tiền xăng, bạn tha hồ len lỏi các phố thăm các Danh điểm đáng chú ý trên đảo mà ai tới đây lần đầu cũng muốn dừng chân.
Dinh của bao đời Chúa đảo
Cầu tàu 914 - Nằm phía trước cổng Dinh chúa đảo (Khi Thực dân Pháp xây dựng đã có 914 người đã chết khi xây cầu tàu này)
Hệ thống nhà tù tại đây gồm nhiều cụm trải dài theo các đường phố của thị trấn. Mỗi cụm có hai hay nhiều Trung tâm ngăn nhau bằng những bức tường đá có cổng sắt liên thông với các tên gọi: “Trung tâm cải huấn trại Phú hải, Phú Sơn, Phú Tường...” Lạnh lẽo và rờn rợn, tôi cố chấn tĩnh chụp các tấm hình có các tượng sáp trong các Xà Lim. Ngoài sân, các cây Bàng cổ thụ rợp bóng mát càng làm tăng thêm vẻ Tịch Liêu, ai oán.
Điểm cuối cùng trong chuyến du ngoạn một mình của tôi là Nghĩa trang Hàng Dương nổi tiếng. Âm u và tĩch mịnh. Một mình tôi lúc này, nhìn khắp xung quanh: Những ngôi mộ có danh và vô danh nằm la liệt toát lên toàn màu trắng rợn người.
Khi phóng xe xuyên qua Nghĩa trang, tình cờ tôi gặp một chú bé đi chiếc xe đạp, tay cầm chiếc cần câu tre và cái bát cước bằng nhựa đang lách qua rào chắn. Tôi hỏi em: “Cháu đi câu về hay bây giờ mới đi câu?” “Đi câu” Cậu ta nhìn tôi trả lời trống không. “Thế cháu câu cá nước mặn hay nước ngọt?” “Câu hồ bên trong kia” Chú bé chỉ tay về phía sau rừng cây rậm rạp. “Cá gì nhiều và to nhất?” “Cá Lóc, có hôm câu được con hơn 5ký”. Cậu bé nhìn tôi lạ lẫm thăm dò, rồi nhìn chằm chằm vào điếu thuốc đang hút của tôi. Hiểu ý, tôi hỏi cậu rồi móc lấy bao thuốc đang dùng dở cùng bao diêm có in tên Khách sạn tôi đang nghỉ tặng cậu và chúc cậu có buổi câu may mắn.
Sợ các anh chị ở Hotel chờ cơm trưa chứ không tôi đã cùng cậu bé ra hồ xem cậu ấy câu. Côn Đảo có những 2 cái hồ lớn, nơi đây nhiều cá Lóc lắm, cá nước ngọt dân đây ít người ăn, họ chê tanh, chỉ có những người nhập cư mới thi thoảng dùng. Chính vì thế nó mới còn nhiều và to. Anh Hùng Y tế nói: Lần sau đi Côn Đảo sẽ mang đồ câu cá Lóc đi chinh phục.
- Hotel và dich vụ: Để phục vụ cho du khách thăm đảo nhất là các chuyến hành hương Chính trị, các Nhà nghỉ mấy năm nay mọc lên nhiều, nhưng vắng khách. Các khách sạn chủ yêú nằm cạnh con đường đôi ven bờ biển thơ mộng luôn ì ầm sóng vỗ. Có cái nằm cạnh Nhà tù, có cái nằm tách biệt trong hàng cây cổ thụ mát mẻ và cổ kính. Giá cả bình dân 350 ngàn/phòng/ngày đêm, đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ và lịch sự.
Lên máy bay trở về thành phố, nhìn qua ô của kính máy bay, thấy biển vẫn lặng sóng dịu hiền, hòn đảo trên cao nhìn xuống đẹp mê hồn, tôi bỗng dưng muốn tập làm thi sĩ:
Chào Côn đảo! Lần đầu tiên quen biết,
Ôi Colon! Ai oán những linh hồn.
Con sóng nhỏ vỗ bờ sao da diết?
Hẹn lần sau, sẽ đến lướt cùng mi.
Tháng 5/2006
Hết