Thật đáng tiếc nhưng điều này cũng có lý do. Lịch sử nghề câu cá hiện đại VN quá ngắn, chưa đủ để hình thành những dịch vụ và con người chuyên nghiệp thực sự.
Trong hoàn cảnh đó, mỗi người phảỉ tự tìm hiểu theo nhu cầu, hiểu biết của riêng mình, dưới những ảnh hưởng khác nhau. Do đó, kết quả và “chi phí” cũng khác, mà theo kinh nghiệm riêng,thường là khá đắt!
Ở các nước phát triển, luôn có những cá nhân và tổ chức thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật. Công việc của anh ta là gì? Anh ta bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, cung cấp những thông tin trung thực và đúng đắn cho khách hàng. Mục đích giúp họ quyết định chính xác khi mua sản phẩm, đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất có thể (Ở bất cứ lãnh vực nào)
Tất nhiên tư vấn kỹ thuật cũng có nhiều loại chất lượng và mục đích khác nhau. Cũng có những loại thực chất chỉ phục vụ cho 1 thương hiệu hay nhà tài trợ nào đó. Chỉ cần có thời gian và một chút suy nghĩ sẽ nhận ra ngay. Nhưng bạn đã sẵn sàng chưa? Còn phía VN, theo cảm nhận riêng, người câu có tính tự hào và thể hiện rất cao của “dân chơi thời thượng” nên họ ít chịu lắng nghe và học hỏi. Tâm lý này là mảnh đất màu mỡ cho sự nghiệp “chăn dắt” của một số chủ tiệm câu vô lương hoặc bất tường.
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, lúc phong trào câu cá giải trí bùng nổ, tôi đã chứng kiến những cảnh cười ra nước mắt giữa người tiêu dùng và các “Tư vấn viên”. Lúc đó, được trọng vọng nhất là các tay câu sông lão làng mà đỉnh cao sự nghiệp đã thuộc về chế độ cũ. Họ say mê và kính cẩn nói về các “Tượng đài bất tử” trong nghề: Garbolino , Mitchell , Dam , Tortue...mà một số hiện nay đã chết, phần còn lai ngắc ngoải trước sức tấn công như vũ bão của các thương hiệu Nhật, Hàn và gần đây là ...Tầu.
Các tay chơi trẻ thường đuọc tư vấn sử dụng cần đặc, máy cũ, dây to...nói chung là các chuẩn mực của nghành câu sông , để áp dụng vào cuộc chơi mới. Đã có bạn cười như mếu với cặp cần “1 kg/cây hay 1,5 kg/2cây” và đôi máy cùng trọng lượng. Về giá cả thì phải cắn răng vì “Hồi đó là một gia tài“
Bây giờ nghe lại, bạn có thể bật cười, nhưng vào lúc đó bi hài kịch này là “Chuyện thường ngày ở huyện “
Hiện tại,”Lịch sử vẫn lập lại” dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, thường là ”tinh vi ” hơn. Nếu có điều kiện, tôi sẽ trình bày và phân tích tình trạng tế nhị này.
Khách quan mà nói, những người lớn tuổi luôn hoài niệm (Đương nhiên!) Vào thời các ông, các bác, trong công nghiệp đồ câu chỉ có một số ít tên tuổi và họ đã xây dựng thương hiệu rất vững vàng theo thời gian. Ví dụ: Mitchell gần như đồng nghĩa với máy câu cá (Như Honda có nghĩa là xe gắn máy!). Các sự kiện lịch sử cũng củng cố thêm thành kiến.
Rồi thời thế thay đổi, với sự trỗi dậy về KHKT và thương mại của châu Á, vị trí hàng hóa các nước cũng xáo trộn. Đồ câu các nước Nhật, Hàn...(Mà lúc trước lép vế hoặc sơ khai ) dần dần đổ bộ và chiếm lĩnh thị trường. Chúng có các ưu điểm: Khá rẻ, đẹp, nhiều cải tiến mới lạ và hiệu quả. Cuối cùng, với làn sóng hàng Tàu tràn ngập mọi lĩnh vực, thế cuộc đã an bài. Dòng đồ cũ gần như chết hẳn, chỉ còn xem như kỷ niệm đẹp trong tâm tư những người hoài cổ.
Công bằng mà nói, những nhãn hiệu kỳ cựu này cũng có những ưu điểm: Nổi bật là bền chắc, có phụ tùng (made in VN ) và đặc biệt nhất là khẳng định được “Bản lĩnh đàn ông” của chủ nhân!
Theo tôi, giá trị lớn nhất của máy cổ là ở tính lịch sử (Một số máy bằng hoặc gấp rưỡi tuổi tôi!). Còn dưới góc độ kinh tế và kỹ thuật đây là những sản phẩm kém. Các tín đồ của dòng máy này luôn ca ngợi phẩm chất “Nồi đồng cối đá” của nó mà không biết rằng đồ dùng bền bỉ hay không chủ yếu là do cách sử dụng (Tất nhiên trừ đồ TQ đời ...đầu) Bạn có tin không, khi hơn 90% dân câu không biết sử dụng máy câu đúng cách!! Tôi sẽ phân tích kỹ việc này trong một chuyên đề sâu hơn.
Song song với ưu điểm trên là nhiều khuyết điểm: Nặng, thu dây chậm, ném gần và ăn dây như ...gỏi, mà hầu hết những người mua bán không biết hoặc không muốn biết.
Nói rộng ra một chút, hãy nhìn và so sánh các sản phẩm cơ khí cũ và mới khác. Ví dụ: Sau nửa thế kỷ, các xe máy đời mới đã có những cải tiến đột phá, hiệu quả gấp bội các sản phẩm cũ mà độ bền không kém (Như xe Dream so với Mobilette).
...
Về phần cần câu, tình hình cũng “Vàng thau lẫn lộn“ không kém! Có lẽ lại phải có một chuyên đề sâu khác.
Nếu có thể, cứ sưu tầm, tân trang các sản phẩm cũ (Như đồ cổ) nhưng sử dụng thì không nên (Trừ khi nhu cầu thể hiện quá nóng!)
Với đồ mới, cũng khách quan mà xét, nếu độ bền không được bằng đồ cũ thì ta hãy thử phân tích: Đó là dòng sản phẩm trung bình và rẻ tiền (Các hãng lớn cũng có loai này). Nếu có điều kiện sắm các sản phẩm “đúng mức” bạn sẽ thấy ngay sự tiến bộ của thời đại.
Cũng nên nói riêng về đồ câu TQ. Như mọi loại hàng hóa cùng xuất xứ, chúng nổi bật ở giá rẻ và chất lượng tương ứng. Tuy nhiên, chỉ cần một chút kiến thức và vài điều chỉnh nhỏ, chúng hoàn toàn có thể “Sánh vai với các cường quốc khác”. Đây là điều tôi có thể bảo đảm hoàn toàn! Chìm trong một biển hàng hóa và thông tin đủ loại, chắc chắn người mua sẽ mất phương hướng nếu không có kinh nghiệm. Làm sao mua được đúng hàng với giá cả hợp lý? Theo kinh nghiệm, hãy đặt những yêu cầu cụ thể tùy theo môi trường câu (hồ ,sông), càng cụ thể càng tốt. Ví dụ: Nếu câu hồ (cá Trắm, Chép ,Mè...) chỉ cần dùng dây 0.30-0.40mm, dài khỏang 200m. Máy và cần tương ứng (Đã có thông số của nhà sản xuất). Tất nhiên, đây chỉ là những thông số tham khảo. Nó có thể thay đổi tùy theo cá tính, phong cách, sự tiến bộ hay ...suy thoái về kỹ thuật của bạn nữa! Nhưng ít nhất khi có đủ thông tin, bạn có thể giảm tối đa chi phí mua sắm và có cơ hội nâng cao tay nghề.
Sơ lược tình hình để các bạn thấy nhu cầu tư vấn rất cần thiết. Nhưng" ai là người tổ chức giải quyết đây?
Cũng rất tiếc ở nước ta chưa có tổ chức tư vấn hoặc trọng tài để kiểm chứng các cuộc so tài kỹ thuật giữa những cá nhân hoặc thương hiệu. Những thông tin khách hàng nhận được thuần túy chủ quan, thiếu sự cạnh tranh lành mạnh để cuộc chơi phát triển tự nhiên và đúng đắn. Về phía người tiêu dùng, hãy tìm hiểu và yêu cầu nhiều hơn. Điều này thúc đẩy cuộc chơi phát triển cao hơn về chất, lợi ích cho cả cộng đồng.
Xin “Bật mí”, sắp tới sẽ có một cố gắng “Thúc đẩy tiến hóa”. Mục đích tích cực như đã xác định. Lúc ấy rất mong có phản hồi, bổ xung để nâng cao trình độ chung.
Chepcom (06/2006)